Châu Âu cân nhắc lệnh cấm du khách Nga
Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài trong 6 tháng, châu Âu đang vật lộn với một câu hỏi mang hàm ý ngoại giao và đạo đức sâu sắc: liệu có nên cấm du khách Nga hay không?
Các đồng minh của Kiev đang rất tức giận trước cảnh các du khách Nga phơi nắng trên các bãi biển Địa Trung Hải trong khi nhiều người Ukraine dành một phần mùa hè của họ trong các hầm trú bom, tránh tên lửa và pháo binh.
Được thúc đẩy bởi lời kêu gọi từ chính phủ Ukraine vào đầu tháng này, cuộc tranh luận về lệnh cấm thị thực đang diễn ra sôi nổi từ Brussels đến Washington, nhấn mạnh những rạn nứt lâu nay trong nội bộ phương Tây về cách thức gây hấn với Nga trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.
Trọng tâm của câu hỏi đạo đức đang treo lơ lửng trên các quốc gia châu Âu là: Liệu những công dân bình thường, với việc đang đưa ra rất ít phản đối, có đang tạo điều kiện cho cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin hay không?
Quyết định cấm thị thực với du khách Nga có thể gây ra những ảnh hưởng kinh tế đáng kể cho lục địa này. Theo hãng phân tích GlobalData, du khách Nga đã chi 22,5 tỷ USD vào năm ngoái và có khoảng 13,7 triệu lượt khởi hành quốc tế từ Nga. Trong số các điểm đến phổ biến nhất đối với người Nga là Ý và Síp.
Kiev muốn điều đó thay đổi và đã kêu gọi các quốc gia trong Liên minh châu Âu và G7 cấm du khách Nga.
Vấn đề này có thể được đưa ra thảo luận vào tuần tới tại hội nghị ngoại trưởng EU ở Praha, nhưng không phải tất cả các quốc gia phương Tây đều ở cùng một chiến tuyến.
Thủ tướng Olaf Scholz gần đây cho biết: Đức phản đối lệnh cấm thị thực ảnh hưởng đến “những người Nga bình thường và đây là cuộc chiến của Putin”. Giám đốc chính sách đối ngoại của E.U., Josep Borrell, đã nói với một hội nghị ở Tây Ban Nha vào thứ Hai rằng đó là “không phải là một ý tưởng hay” và rằng “chúng tôi phải chọn lọc hơn”.
Tuần này, Mỹ cũng đưa ra quyết định chống lại lệnh cấm thị thực.
Các quốc gia giáp biên giới với Nga đang cảm thấy cuộc tranh luận về lệnh cấm thị thực đặc biệt gay gắt. Không lâu sau cuộc xâm lược, EU đã cấm các chuyến bay từ Nga, buộc những người Nga tìm cách bay đến châu Âu phải đi qua biên giới đất liền đến các nước như Phần Lan, sau đó bắt chuyến bay ở nơi khác.
Điện Kremlin đã gọi bất kỳ đề xuất nào về việc cấm thị thực Nga là “suy nghĩ phi lý trí” từ các quốc gia thù địch.
Những người chỉ trích trừng phạt người Nga vì hành động của chính phủ họ cho rằng việc áp đặt trách nhiệm tập thể lên công chúng là đặc biệt không công bằng ở một quốc gia thiếu các cuộc bầu cử tự do và công bằng để chọn ra các nhà lãnh đạo của mình.
Andrei Kolesnikov, một thành viên cấp cao có trụ sở tại Moscow và là chuyên gia về Nga tại Carnegie Endowment for International Peace, cho rằng việc thiếu sự phản đối công khai, rõ ràng ở Nga đối với cuộc chiến không nên được coi là sự ủng hộ chung dành cho Putin. Ông nói: “Phe đối lập chính trị hoặc đã bị đe dọa truy tố hình sự hoặc đã phải ngồi tù. Việc phản đối trên đường phố sẽ bị bắt giữa. Những người lên tiếng công khai sẽ không biết kết cục của họ ra sao”.
Minh Tân