Chất lượng không khí đô thị Mỹ cải thiện nhờ COVID-19
Theo đánh giá sơ bộ của phòng thí nghiệm Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc (NOAA) gia Mỹ, chất lượng không khí tại nước này đã cải thiện đáng kể từ khi đại dịch COVID-19 khiến đường phố vắng bóng phương tiện giao thông. Điều này mang tới một cái nhìn tương lai về một bầu không khí sạch hơn đi cùng với đó có thể là một mạng lưới phương tiện giao thông chạy bằng điện, thân thiện với môi trường.
Trong nghiên cứu mang tên “Chất lượng không khí nhờ COVID-19”, nhóm nhà khoa học NOAA đã sử dụng các vệ tinh, máy bay cùng các thiết bị giám sát mặt đất để thu thập số liệu và so sánh giữa chỉ số ô nhiễm không khí những năm trước đây với chỉ số thu được trong thời gian nước Mỹ áp dụng biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Kết quả cho thấy khi các phương tiện giao thông tạm ngừng hoạt động do lệnh phong tỏa, lượng phát thải khí nitrogen oxide gây khói bụi đã giảm 25-30%, cùng với đó các hợp chất dễ bay hơi và khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng giảm đáng kể tại cả khu vực Đông Bắc nơi tập trung đông dân cư cũng như các khu đô thị ở bang Colorado, miền Tây nước này.
NOAA cho biết nghiên cứu lần này tập trung vào 2 khu vực riêng biệt nói trên tại Mỹ, qua đó cung cấp một cái nhìn sơ bộ về tương lai tiềm tàng của chất lượng không khí thành thị nhờ việc điện khí hóa liên tục mạng lưới phương tiện giao thông tại nước này.
Lấy ví dụ tại tuyến cao tốc I-95 nối từ thành phố Boston đến thủ đô Washington, các nhà nghiên cứu NOAA nhận thấy khí NO giảm 25%-30%, trong khi khí CO2 giảm 15%-20% nhờ lưu lượng giao thông giảm khoảng một nửa so với mức thông thường. Theo Cơ sở dữ liệu phát thải cho Nghiên cứu Khí quyển toàn cầu (EDGAR) của Mỹ, phương tiện giao thông vốn là nguồn chiếm khoảng 43% trong tổng lượng khí thải NO và 29% trong tổng lượng khí CO2 tại Mỹ.
Phòng nghiên cứu Hệ Trái Đất của NOAA cũng chỉ ra rằng chỉ số tích tụ các hợp chất dễ bay hơi đo được trong tháng 4 vừa qua tại các thành phố đông dân cư nhất của bang Colorado đã giảm 50% so với tháng 4/2018. Lượng carbon monoxide (CO) và NO cũng giảm khoảng 30% so với chỉ số trung bình hàng tháng đo được trong giai đoạn 2010-2019. NO và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi là những thành phần chính của tầng ozone và các hạt vật chất – yếu tố gây khói mù đô thị đe dọa tới sức khỏe con người.
Nhà nghiên cứu Xinrong Ren làm việc tại Phòng Nghiên cứu Tài nguyên không khí của NOAA ở Maryland nhận xét: “Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học từ quyết định đóng cửa lần này”. Ông cũng bày tỏ hy vọng các khu vực thành thị của Mỹ sẽ chứng kiến tín hiệu tích cực tương tự với chất lượng không khí được cải thiện nếu một nửa số ô tô chạy bằng điện và thêm nhiều người tiếp tục làm việc từ nhà.
Trong khi đó, NOAA cho biết sẽ tiếp tục giám sát vấn đề phát thải khí trong mùa Hè năm nay khi các bang và các thành phố nối lại hoạt động kinh doanh, thông qua đó có thể xác định rõ hơn nữa tác động của lưu lượng giao thông tới chất lượng không khí.
Thiên Phú (Theo Reuters)