“Chắp cánh” cho khu vực kinh tế tư nhân…

Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, kinh tế tư nhân (KTTN) vẫn là khu vực đi đầu với tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt khó đi lên và có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước, trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế trước những tác động tiêu cực từ đại dịch. Đây cũng chính là động lực để Đảng và Nhà nước quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển nhanh, mạnh hơn nữa, tiến tới hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên đấu trường quốc tế.

Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM cho biết hiện KTTN chiếm hơn 43% nền kinh tế cả nước; trong đó có hơn 90% là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, đóng góp trên 40% GDP giải quyết hơn 80% việc làm cho lao động cả nước. Mỗi năm khu vực KTTN đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 3,5%/năm.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đại dịch Covid-19 tác động rất đến hơn 80% doanh nghiệp cả nước, phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, kinh doanh khách sạn, ăn uống, giáo dục… Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh cũng như đưa ra các gói hỗ trợ về thuế, đất đai… đã tạo động lực giúp khu vực doanh nghiệp tư nhân vượt thoát khó khăn và ngày càng thể hiện được tính năng động, sáng tạo, xoay chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Minh chứng cho nhận định này, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM lấy các doanh nghiệp ngành dịch vụ làm ví dụ bởi đây là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch. Thời điểm dịch bệnh hoành hành, nhiều cửa hàng, nhà hàng đã phải đóng cửa, trả mặt bằng nhưng chính những doanh nghiệp này sau khi trả các cửa hàng mặt tiền thì họ nhanh chóng tìm mặt bằng mới ở trong hẻm với chi phí thấp hơn và thực hiện marketing, bán hàng online… “Nhìn chung các doanh nghiệp chuyển đổi kinh doanh rất nhanh. Đến ngày hôm nay chúng ta thấy rằng thói quen của người tiêu dùng thay đổi rất nhanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đưa hàng đến người tiêu dùng cũng thay đổi và đây cũng chính là minh chứng sống động nhất cho sự xoay chuyển nhanh của các doanh nghiệp tư nhân” – ông Hưng chia sẻ

Masan – một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã vươn tầm thế giới khi M&A một nhà máy có trụ sở tại Canada

Cùng với các doanh nghiệp ngành dịch vụ, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã nhanh chóng tái cơ cấu sản xuất, đầu tư chuyển hướng sản xuất các ngành hàng đáp ứng nhu cầu tăng cao của xã hội trong bối cảnh dịch bệnh như thực phẩm, dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế…Thậm chí, khi chuỗi cung ứng trên thế giới bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh thì các doanh nghiệp tư nhân cũng nhanh chóng nắm bắt, chiếm lĩnh thị trường mới, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, để có thể phát huy hết tiềm năng thế mạnh của mình, mong mỏi của khối doanh nghiệp tư nhân là Nhà nước sẽ tiếp tục có các gói hỗ trợ về vốn, tiếp cận tài chính, đất đai dễ dàng. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân mong muốn có một nền kinh tế bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, để doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp tư nhân bình đằng với nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển.

Đến nay, một loạt luật như Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… được sửa đổi và có hiệu lực thi hành đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, cấp phép, thuế, giải quyết tranh chấp… Tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển KTTN. “Đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp tư nhân rất cũng cần hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, từ đó đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP đạt 60% – 70%” – ông Hưng nhấn mạnh.

Hùng Anh