CEO Thế Giới Di Động: “Chúng tôi đang biến lợi thế thành cơ hội để bán hàng…”

Là công ty bán lẻ niêm yết lớn nhất Việt Nam, chiếm 50% thị phần mảng điện máy, Thế Giới Di Động tiếp tục cho thấy tham vọng tăng thị phần của mình khi vừa công bố mô hình cộng tác viên bán hàng

Ngay khi chương trình cộng tác viên bán hàng của Thế Giới Di Động được công bố, đã có trên 250 đại lý đăng ký tham gia. Mục đích của chương trình nhằm phát triển bán hàng ở những nơi cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh không hiện diện. Chẳng hạn tại những địa điểm như Gia Lai, Kontum, Thế Giới Di Động sẽ không phát triển mô hình ở những xã đã có cửa hàng, chỉ phát triển ở nơi không có. Trong hệ thống app, khi khách hàng đăng ký làm cộng tác viên bàn hàng, khách hàng có thể chọn quận/huyện, phường/xã để xem khu vực đó có cửa hàng hay chưa. Nếu chưa, khách hàng sẽ thực hiện các bước còn lại. Tối đa sau 2 ngày, Thế Giới Di Động sẽ có nhân viên đến thẩm định để thành đại lý chính thức. Đối với khách hàng có cửa hàng rồi, Công ty sẽ từ chối ngay từ đầu.

Theo cam kết, Thế Giới Di Động sẽ trả hoa hồng từ 5% đến 20% cho các cộng tác viên, tùy sản phẩm và thời điểm. Các cộng tác viên chỉ việc bán hàng theo giá và hình thức thanh toán đã có sẵn trong hệ thống của Thế Giới Di Động, còn tất cả các phần còn lại như giao hàng, bảo hành, thanh toán… là trách nhiệm của Thế Giới Di Động. Về phía các khách hàng, thay vì lên các website và app của chuỗi Thế Giới Di Động hay chuỗi Điện Máy Xanh mua hàng, khách hàng có thể nhờ các cộng tác viên mua hàng giúp.

Trong giai đoạn đầu tiên của dự án, Thế Giới Di Động không mang hàng đến trưng bày ở cửa hàng offline của cộng tác viên, mà chủ cửa hàng sẽ giới thiệu sản phẩm đang có trên website – app của doanh nghiệp này. Nếu khách hàng đồng ý mua hàng, họ sẽ dùng account của mình để trực tiếp đặt hàng online và cả hỗ trợ làm hồ sở trả góp online nếu khách hàng muốn. Thế nên giá của sản phẩm đến tay khách hàng bán theo mô hình bằng với giá niêm yết chính thức trên các nền tảng online, chỉ có cộng tác viên là được hưởng hoa hồng.

Nếu mô hình chạy tốt, trong giai đoạn 2, với những sản phẩm dung lượng phân phối lớn và vòng quay nhanh, Thế Giới Di Động có thể mang đến phân phối cho các cửa hàng – cộng tác viên, để họ có thể bán và thu tiền trực tiếp. Lúc đó, Thế Giới Di Động có thể đóng vai là nhà phân phối; còn ở thời điểm hiện tại doanh nghiệp này vẫn chỉ là nhà bán lẻ đơn thuần.

Ước tính sơ bộ Việt Nam có 63 tỉnh, mỗi tỉnh 10 quận huyện, mỗi huyện 10 phường xã thì cả nước có khoảng 7.000 phường xã. Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh hiện chỉ 2.500 điểm bán hàng, tối đa là 3.000 điểm. Điều này đồng nghĩa sẽ còn khoảng 4.000 địa bàn còn trống ở đơn vị xã nhưng được đánh giá là thị trường nhỏ và Thế Giới Di Động không có nhu cầu mở shop. Do đó Công ty muốn tận dụng các đại lý có sẵn để làm “cánh tay nối dài” nhằm phát triển thị trường, gia tăng thị phần.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của Thế Giới Di Động cho biết khi triển khai chương trình, khó khăn nhất là làm sao tiếp cận được với khoảng 30.000 đại lý ở thị trường bên ngoài đang trống, để họ biết về chương trình, cài đặt và bán hàng trên đó. Cái khó thứ 2 là chăm sóc, hướng dẫn cho họ để họ quen với hệ thống. Có những đại lý kinh doanh cả chục năm, họ quen với hình thức kinh doanh, buôn bán cũ, quen với việc đại lý cung cấp hàng cho họ. Sắp tới, Thế Giới Di Động sẽ mở nhiều chương trình chăm sóc đại lý, chăm sóc khách hàng cho nhóm cộng tác viên này.

Về đánh giá của các đại lý bên ngoài cho rằng động thái mở mô hình cộng tác viên của Thế Giới Di Động là “bành trướng”, “chèn đường sống” của họ, ông Em khẳng định thực tế Thế Giới Di Động không mở cửa hàng offline nên cũng không có chuyện chèn ép, tranh giành thị phần của các đại lý bên ngoài. “Thứ nhất, với các cửa hàng nhỏ lẻ, chúng tôi còn phải thông qua họ để giúp tôi bán hàng. Không có họ sao chúng tôi bán được hàng. Có thể họ chưa hiểu về việc này. Cái khó là giúp họ hiểu về chương trình này, như đã nói ở trên, tiếp cận được họ, để họ thành đại lý, sau đó hỗ trợ họ. Tôi nghĩ quan ngại là bình thường, vì họ chưa hiểu hết. Thậm chí, họ có thể nghĩ rằng nếu họ làm cộng tác viên là tiếp tay cho Thế Giới Di Động để lấy thị phần của mình. Nếu để lấy thị phần thì chúng tôi sẽ mở shop. Hình thức cộng tác viên là để chúng tôi kết hợp cùng nhau bán hàng. Với những đại lý cỡ trung, chẳng hạn có  5-7 cửa hàng thì phần lớn họ sẽ mở ở những nơi có cửa hàng Thế Giới Di Động rồi. Do đó, chúng tôi không phát triển mô hình này tại đó. Thực tế tạ những địa điểm này, trong quá khứ đến hiện tại thì chúng tôi và họ vẫn đang cạnh tranh với nhau, không có gì khác đi cả” – CEO của Thế Giới Di Động chia sẻ.

Trước điện thoại di động, Thế Giới Di Động cũng đã thử nghiệm khá nhiều mô hình mới (bán đồng hồ, laptop, Điện Máy Xanh Super Mini) và nếu thành công sẽ nhân rộng ra. Ví dụ như mặt hàng xe đạp, Thế Giới Di Động vừa mở 2 shop ở quận 9, khai trương từ 30/4 và đến thời điểm hiện tại doanh số khá tốt, duy trì doanh số mỗi ngày 15 xe đạp/shop. Đây là tín hiệu tốt cho một thử nghiệm. Sắp tới Công ty sẽ mở khoảng 10 shop, đưa về Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu  để thử nghiệm và nếu thành công sẽ mở trên 100 điểm bán. “Với mỗi mô hình mới này, chúng tôi có nhiều lợi thế. Mặt bằng chúng tôi có sẵn, chỉ là tái sắp xếp lại về layout, diện tích. Thậm chí khi bán xe đạp, chúng tôi đưa luôn ra ngoài sân, che bạt, không tốn quá nhiều chi phí, nguồn lực nhưng tận dụng được lượng khách hàng đang có. Mỗi sản phẩm bán ra có những khuyến mại lớn, ví dụ chúng tôi có thể giảm giá đồng hồ 20-40%, xe đạp 20-30% khi mua kèm TV, tủ lạnh. Chúng tôi tận dụng những thứ có sẵn để tiết giảm chi phí, tạo khoảng dư để làm khuyến mại cho khách hàng. Chúng tôi đang biến lợi thế thành cơ hội để bán hàng” – ông Em khẳng định

Anh Dũng