Cảnh báo lừa đảo thương mại từ các công ty “ma” tại Hà Lan
Trước thực trạng gần đây một số doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo khi tìm đối tác thông qua mạng internet, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý các doanh nghiệp trong nước cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau; đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp Việt nên liên hệ trước với Thương vụ để xác minh độ tin cậy của các đối tác này phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết thời gian gần đây cơ quan này đã nhận được thư của một số doanh nghiệp Việt Nam đề nghị hỗ trợ điều tra tính xác thực và tồn tại của một số doanh nghiệp Hà Lan. Sự việc xuất phát từ một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam sau khi ký hợp đồng, thanh toán trước 10-30% thậm chí có trường hợp trả trước 100% tiền hàng nhưng không nhân được hàng giao như đã thỏa thuận, hoặc mất liên lạc. Các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước nguy cơ bị lừa đảo mất trắng tiền bởi các đối tác “ma” này.
Qua xác minh, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan phát hiện một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh những công ty có đăng ký hoạt động hợp pháp ở Hà Lan để lập các trang web mang tên các công ty này. Tuy nhiên khi Thương vụ liên hệ theo số điện thoại đăng trên trang web thì không có người nhấc máy, máy tự động trả lời. Thương vụ liên hệ theo số máy đăng ký trong hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Phòng Thương mại Hà Lan thì chủ nhân thật sự của công ty thường nói không có quan hệ hoặc liên lạc làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam. Một số công ty Hà Lan đang có vướng mắc với các doanh nghiệp tại Việt Nam là: SUGARPACK BV, RME trading BV, Massa Trading B.V… Thủ đoạn của các công ty này thường chủ yếu chào bán hàng thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng và máy móc thiết bị cũ hoặc nhập khẩu thủy hải sản…vì đây là những mặt hàng có giá trị kinh tế cao.
Trước thực trạng trên, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cảnh báo các vụ lừa đảo trong giao dịch thương mại đang ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức cảnh giác trong giao dịch; nhất là với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet, trên mạng Alibaba hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau. Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn với các đối tác này, doanh nghiệp cũng cần liên hệ với Thương vụ để nhờ tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác Hà Lan phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Nguyễn Cường