Căng thẳng Mỹ-Trung trở thành tâm điểm tại LHQ khi Trump cáo buộc Bắc Kinh gây ra ‘bệnh dịch’
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đã “làm lây lan” COVID-19 ra thế giới. Bắc Kinh sau đó đã buộc tội ông ta là “dối trá” và lợi dụng nền tảng của Liên Hợp Quốc để kích động đối đầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện một giọng điệu hòa giải trong bài phát biểu qua video được ghi hình trước gửi tới Đại hội đồng, kêu gọi tăng cường hợp tác trong đại dịch và nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có ý định tham gia “Chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ quốc gia nào”.
Tuy nhiên, đại sứ Trung quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun đã bác bỏ những cáo buộc của Trump chống lại Trung Quốc là “vô căn cứ” và nói rằng “những lời nói dối lặp đi lặp lại hàng nghìn lần vẫn là dối trá”.
Trump và Tập, các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã đưa ra tầm nhìn đối lập vào thời điểm mà mối quan hệ đã xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với căng thẳng COVID-19 làm trầm trọng thêm các tranh chấp thương mại và công nghệ.
Trump, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, trong bối cảnh Mỹ đang có số người chết và nhiễm bệnh chính thức cao nhất thế giới do COVID-19, đã tập trung bài phát biểu của mình vào việc tấn công Trung Quốc.
Ông cáo buộc Bắc Kinh cho phép người dân rời Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh để lây nhiễm ra thế giới trong khi ngừng hoạt động đi lại trong nước.
Tổng thống hứa sẽ phân phối một loại vắc-xin và nói: “Chúng tôi sẽ đánh bại virus, và chúng tôi sẽ chấm dứt đại dịch.”
Bài phát biểu của ông Tập có nội dung dường như là một lời quở trách ngầm đối với Trump, kêu gọi phản ứng toàn cầu đối với COVID-19 và trao cho WHO vai trò lãnh đạo hàng đầu. Ông nói: “Chúng ta nên tăng cường đoàn kết và cùng nhau vượt qua điều này. Chúng ta nên tuân theo sự hướng dẫn của khoa học, phát huy hết vai trò lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới và khởi động một phản ứng quốc tế chung … Mọi nỗ lực chính trị hóa vấn đề, hoặc bêu xấu, đều phải bị bác bỏ”.
WHO đã bác bỏ phát biểu của Trump.
Gabby Stern, Giám đốc truyền thông của Who, viết trên Twitter: “Không chính phủ nào kiểm soát chúng tôi. Vào ngày 14 tháng 1, trưởng nhóm # COVID19 của chúng tôi đã nói với phương tiện truyền thông về nguy cơ lây truyền từ người sang người. Kể từ tháng 2, các chuyên gia của chúng tôi đã thảo luận công khai về sự lây truyền của những người không có triệu chứng hoặc trước khi có triệu chứng”.
Trung Quốc đã tự nhận mình là người ủng hộ chính cho chủ nghĩa đa phương vào thời điểm sự coi thường hợp tác quốc tế của Trump đã khiến ông từ bỏ các thỏa thuận toàn cầu về khí hậu và hạt nhân Iran, cũng như đưa Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và WHO.
Ông Tập đã công kích chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump trong một tuyên bố hôm thứ Hai trước cuộc họp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc.
Ông nói: “Không quốc gia nào có quyền chi phối các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của người khác, hoặc giữ lợi thế phát triển cho riêng mình.
Thậm chí không ai được phép làm bất cứ điều gì họ thích và trở thành bá chủ, kẻ bắt nạt hoặc ông chủ của thế giới. Chủ nghĩa đơn phương là một ngõ cụt”.
Trump cũng công kích hồ sơ của Trung Quốc về môi trường, nhưng không đưa ra lời chỉ trích trực tiếp nào đối với Bắc Kinh về nhân quyền.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập đã công bố kế hoạch thúc đẩy mục tiêu hiệp định khí hậu Paris của Trung Quốc và kêu gọi một cuộc cách mạng xanh, chỉ vài phút sau khi Trump chỉ trích Trung Quốc vì “ô nhiễm tràn lan”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới đang “đi theo một hướng rất nguy hiểm” với căng thẳng Mỹ-Trung.
Ông nói: “Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thế giới của chúng ta không thể có được một tương lai nơi hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt toàn cầu trong một Vết nứt lớn – mỗi nền kinh tế đều có các quy tắc thương mại và tài chính riêng cũng như năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo. Sự chia rẽ về công nghệ và kinh tế chắc chắn có nguy cơ biến thành sự chia cắt địa chiến lược và quân sự. Chúng ta phải tránh điều này bằng mọi giá ”.
Ngọc Đỉnh