Cần những chính sách đặc biệt với mức độ hỗ trợ mạnh hơn để giải nguy cho doanh nghiệp

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước thềm kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thay mặt hơn 800.000 doanh nghiệp cả nước đề xuất đến người đứng đầu Quốc hội nhiều chính sách quan trọng, mang tính cấp bách nhằm giải nguy cho doanh nghiệp, phục hồi và ổn định nền kinh tế…

Sau khi báo cáo với Chủ tịch Quốc hộ  về những tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động của các doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công cũng đồng thời khẳng định những nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa các gói hỗ trợ đến tay người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn. Gần đây nhất là Nghị quyết 105/NQ – CP hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid – 19 được Chính phủ ban hành ngày 9/9/2021. Với hàng loạt điểm mới, Nghị quyết 105 được kỳ vọng sẽ trở thành cứu cánh giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi và ổn định sản xuất

Nhân đây, Chủ tịch VCCI cũng đề nghị xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tạo nguồn ngân sách phục vụ mục tiêu tăng trưởng, khôi phục kinh tế,  tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó Covid bởi hiện nay các gói hỗ trợ của Nhà nước mới đạt khoảng 2,2% GDP – mức khá thấp so với các nước trong khu vực (Thái Lan là 15,6%, Malaysia 8,8%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP…). GDP năm 2020 của Việt Nam là 6,3 triệu tỷ đồng, nếu các gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng sẽ rất có ý nghĩa với doanh nghiệp lúc này.

Song song với nới trần nợ công, ông Phạm Tấn Công cũng đề nghị cần có thêm một số chính sách tài khoá, tiền tệ có tính đột phá bởi hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dưới hình thức gián tiếp, thông qua chính sách giãn, hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế, khoản vay với doanh nghiệp. Theo đó, xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 3-5% một năm so với lãi suất thị trường. Gói hỗ trợ bù lãi suất này sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nè bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải giáo dục…Cùng với đó là bổ sung gói hỗ trợ như giảm thuế TNdoanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất lên mức 50%; giảm mức nộp BHXH, BHYT 50% trong các năm 2021, 2022 và cấp bù lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 3-5%; giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong 2021-2022; giảm phí một nửa công đoàn doanh nghiệp…

Dẫn ví dụ về hình ảnh dòng người ồ ạt rút khỏi Tp.HCM và các trung tâm kinh tế phía nam sau ngày 30/9, Chủ tịch VCCI cũng đồng thời cảnh báo nguy cơ thiếu nhân lực lao động mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Điều cần thiết nhất lúc này chính là các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút, đào tạo lại lao động được thiết kế theo hướng dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp.

Nhìn vào bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, dễ dàng thấy được sự suy giảm mạnh về quy mô cũng như sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm nay đã có hơn 90.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh. Bình quân mỗi tháng hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24% so với năm 2020 (dữ liệu của VCCI).  “Đằng sau mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế. Trong tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi những chính sách đặc biệt, trực tiếp với mức độ hỗ trợ mạnh hơn từ phía Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành để giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn” – ông Công nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng nhắc lại quan điểm xem doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19; đề xuất thay đổi chiến lược ứng phó với đại dịch theo hướng thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế. Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh.

Theo ông Công, trong bối cảnh mới hiện nay cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung, dài hạn đáp ứng mục tiêu đảm bảo ổn định vĩ mô, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh, hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Cùng với đó cần tập trung cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch, kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Trước đề xuất của Chủ tịch VCCI về vấn đề nới trần nợ công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hiện trần nợ công vẫn thấp nên không phải nâng. Hiện nay các gói hỗ trợ chiếm 2,84% GDP, ngoài ra nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn tốt vì vậy Chính phủ hoàn toàn có đủ điều kiện để tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Về giải pháp tổng thể cho phục hồi kinh tế, người đứng đầu Quốc hội cho biết ngay tuần tới, trong chương trình làm việc với các Uỷ ban của Quốc hội sẽ bàn về sử dụng chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian khó khăn hiện nay. “Trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp…” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định

Ngọc Dung