Cần giải pháp đặc thù cho nông nghiệp đô thị ở TP.Hồ Chí Minh
Trong chuyến khảo sát kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW (NQ26) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại TPHCM mới đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về khía cạnh chính trị – xã hội.
Sản xuất hoa nhiệt đới trở thành thế mạnh của nông nghiệp đô thị TPHCM (Ảnh: Thanh Hải)
1 đồng vốn ngân sách huy động 25 đồng vốn xã hội
Báo cáo về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp TPHCM 10 năm qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết: TP đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; định hướng mục tiêu và lộ trình cũng như huy động nội lực xây dựng nông thôn mới (NTM).
Trong 10 năm qua, Thành ủy – HĐND – UBND TPHCM tập trung vào cơ chế, chính sách về huy động và sử dụng nguồn lực thuộc thẩm quyền để chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chỉ tiêu của NQ26, như chính sách về khuyến nông hỗ trợ người nghèo, góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp đô thị; chính sách phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, các chương trình phát triển cây trồng và vật nuôi chủ lực…
Nhờ đổi mới cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội giúp phát triển nhanh kinh tế nông thôn, 1 đồng vốn ngân sách TP bỏ ra đã huy động được 25 đồng vốn từ xã hội. TPHCM cũng đã tái cơ cấu toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, đẩy mạnh quy hoạch sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hình thành các vùng sản xuất tập trung như rau, chăn nuôi bò sữa, thủy sản; phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Việc xây dựng NTM gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa; xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ hiệu quả ở nông thôn; nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp… TPHCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp được vay vốn theo hình thức tín chấp, hoặc bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay. Đồng thời định giá tài sản theo giá trị thị trường, góp phần nâng hạn mức cho vay đối với HTX và doanh nghiệp nông nghiệp.
Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến tính chất đặc thù của sản xuất nông nghiệp TPHCM: Nông nghiệp đô thị, sản xuất trên diện tích nhỏ, lẻ. TP có 5,7% hộ làm nông nghiệp, nhưng lao động thực sự sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% dân số, đóng góp 0,8% GRDP.
Trong 115.000ha đất nông nghiệp, diện tích rừng và đất rừng phòng hộ là 75.000ha. Giá trị sản xuất đất nông nghiệp là 450 triệu đồng/ha/năm 2017, trong đó giá trị gia tăng chiếm 45%. Con số này còn có thể tăng lên khi TPHCM xác định nông nghiệp TP phát triển theo hướng trở thành trung tâm giống – sản xuất và cung cấp giống cây, con cho khu vực. TPHCM cũng sẽ là trung tâm sản xuất thiết bị thông minh phục vụ nông nghiệp và thủy sản.
Công nghệ cao giúp duy trì tốc độ tăng trưởng
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng TPHCM là địa phương rất đặc biệt, 56 xã của 5 huyện ngoại thành có gần 1,47 triệu người ở nông thôn, bằng hoặc thậm chí nhiều hơn dân số của một tỉnh. GRDP nông nghiệp TPHCM cao hơn bình quân cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp TPHCM đạt 450 triệu đồng/ha/năm (bình quân cả nước chưa tới 100 triệu đồng/ha/năm), kể cả giá trị gia tăng nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 5%/năm – cao hơn cả nước. TPHCM là trung tâm chế biến, xuất khẩu nông sản, có tác động rất mạnh đến tiêu thụ nông sản của khu vực. TPHCM cũng là trung tâm đào tạo khoa học – công nghệ phía Nam. Hạn chế của nông nghiệp TPHCM là sản xuất vẫn manh mún, cần nhanh chóng đi vào áp dụng công nghệ cao để tăng thêm thu nhập cho người nông dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận TPHCM rất quan tâm và triển khai nghiêm túc NQ26. Trong những kết quả đạt được, có nhiều chỉ tiêu TP vượt trội so cả nước. Nhiều lần nhấn mạnh đến tính chất đặc thù của nông nghiệp TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng cần phân tích kỹ hơn nữa để thấy rõ cấu trúc nông nghiệp TP khác với những địa phương khác, từ đó có giải pháp đặc thù để TP triển khai trong thời gian tới. TPHCM cần tập trung nhiều hơn nữa vào việc chế biến nông sản từ các nơi đưa về, không chỉ để cung cấp cho người dân TP sản phẩm chất lượng, an toàn, mà còn để phục vụ cho việc xuất khẩu.
Thực hiện việc giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm tập trung, gắn với việc xử lý chất thải, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Phát triển công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Biết tận dụng nhiều hơn lợi thế của các viện – trường, các nhà khoa học để nghiên cứu, phát minh, sản xuất giống cây con, cung cấp giải pháp công nghệ cho sản xuất nông nghiệp của TP và các tỉnh. Diện tích đất nông nghiệp TPHCM sẽ giảm do đô thị hóa, số người làm nông nghiệp cũng sẽ giảm hơn nữa, vì vậy, việc tăng cường ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp duy trì tốc độ sản xuất cũng như tăng trưởng ngành nông nghiệp đô thị TPHCM.
NQ26 là một trong những nghị quyết được triển khai khá quyết liệt, đạt kết quả ấn tượng. Sau nghị quyết này có nhiều chương trình nối tiếp, như chương trình xây dựng NTM, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Hiện 35% số xã cả nước được công nhận đạt chuẩn NTM; dự kiến đến năm 2020, trên 50% tổng số xã toàn quốc là xã NTM. |
Minh Đường