Cần điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh Covid-19
Sáng 18/3, VCCI phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Vĩnh Phúc, với sự tài trợ và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), tổ chức cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để DN vượt qua Covid-19.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, năm 2020 ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng DN để vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Có được những kết quả đó, ngoài sự chủ động tích cực của cộng đồng DN, có vai trò cổ vũ và yểm trợ của Nhà nước.
Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn. Chính phủ cũng đẩy mạnh các chương trình giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích cho sự phát triển của cộng đồng DN. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế TNDN cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. “Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam” – Phó Chủ tịch VCCI nhận xét.
Tuy vậy, các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh để phù hợp với trạng thái bình thường mới – ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Thị Hồng Thuỷ, nhiều chính sách của Chính phủ được ban hành kịp thời đã mang lại hiệu quả tích cực cho các DN. Song, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập khi tiếp cận chính sách.
Cụ thể như đối với lĩnh vực hỗ trợ người lao động, phần lớn DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm với DN như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN… Các điều kiện kèm theo đó quá khó và chặt chẽ, khiến rất ít DN có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. “Như vậy có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống” – bà Phạm Thị Hồng Thuỷ nhận xét.
Mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của DN. DN vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Bảo lãnh tín dụng chặt chẽ hơn điều kiện vay ngân hàng
Từ thực tế này, Hiệp hội DN tỉnh đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN trong đại dịch. Trong đó, đối với lĩnh vực lao động, đề nghị sớm tham mưu, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 để triển khai đến DN. Đồng thời, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động miễn 2% kinh phí công đoàn cho DN trong thời gian dịch bệnh.
Trong lĩnh vực ngân hàng và tín dụng, ngoài các biện pháp hỗ trợ từ ngân hàng, hiệp hội đề nghị tiếp tục xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay từ 1,5 – 2% cho tất cả các gói cho vay, giảm phí đối với khách hàng là người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện, thủ tục cho vay cần đơn giản hơn, tài sản thế chấp linh hoạt hơn, các điều kiện bảo lãnh tín dụng cần nới lỏng hơn nữa vì hiện nay bảo lãnh tín dụng chặt chẽ hơn điều kiện vay ngân hàng.
Ngoài ra, DN cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam tham gia CPTPP và FTA mới.
Về phía địa phương, Hiệp hội DN đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát nhu cầu nhập cảnh của các DN trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng; cần cân nhắc, hạn chế đến mức thấp nhất nhu cầu nhập cảnh của các đối tượng đến từ các quốc gia, vùng lãnh thủ có lây nhiễm chủng biến thể mới của Covid-19 và đang có diễn biến dịch phức tạp như: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Anh, Nam Phi. Đồng thời, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ DN xét nghiệm Covid-19 cho người lao động.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh xem xét cùng ngân sách địa phương hỗ trợ lao động trong DN bị giải thể, phá sản; chỉ đạo các ngành hoàn thành thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DN tại các khu công nghiệp để đảm bảo thời gian trong việc sản xuất kinh doanh của DN.
Duy Anh