Cam kết lợi nhuận condotel – “con dao hai lưỡi” với cả chủ đầu tư và khách hàng

Tin vào mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn, nhiều khách hàng không ngần ngại rót tiền vào sản phẩm căn hộ khách sạn (condotel). Tuy nhiên lợi nhuận đâu không thấy, chỉ thấy khách hàng rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” khi nhà đầu tư bội tín….

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, condotel bùng nổ ở Việt Nam và cam kết lợi nhuận trở thành một chính sách phổ biến của các chủ đầu tư để thu hút khách hàng. Trên thị trường đã xảy ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các dự án về mức lợi nhuận cam kết, dẫn đến những mức lợi nhuận cam kết cao khó tin. Cụ thể mức lợi nhuận phổ biến được đưa ra từ 8% – 12% trong vòng 5-10 năm, thậm chí có doanh nghiệp còn cam kết lợi nhuận lên tới 14% – 15% trong 10 năm đầu. Đây là những mức cam kết rất hấp dẫn khiến nhà đầu tư bị mờ mắt mà quên đi các yếu tố quan trọng khác của một dự án như: tính pháp lý, vị trí địa lý, tiềm năng phát triển…Mặc dù các chuyên gia liên tục đưa ra cảnh báo về mức cam kết lợi nhuận khủng này song vẫn có không ít nhà đầu tư bị cuốn theo để rồi rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” khi đến hạn mà chủ đầu tư vẫn không trả lãi như cam kết, chậm trả lãi, hay kéo dài thời gian trả lãi.

Nghe lời giới thiệu của nhân viên môi giới, cuối năm 2015 chị Trần Thị Tĩnh (ngụ quận 2 – Tp.HCM) đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng mua dự án condotel ở đường Phan Bội Châu, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa kèm theo cam kết chi trả lợi nhuận lên đến 15%/năm của chủ đầu tư. Tuy nhiên chỉ sau 2 tháng đầu chi trả cam kết đúng hợp đồng, chủ đầu tư bắt đầu “lật kèo”, xin giảm lợi nhuận xuống còn 8%/năm. Tệ hơn, từ giữa năm 2016 đến nay chị Tĩnh và các khách hàng khác không nhận thêm được bất kỳ các khoản tiền lợi nhuận nào.

Đồng cảnh ngộ với chị Trần Thị Tĩnh là trường hợp của anh Nguyễn Văn Khá, chủ nhân 2 căn condotel tại một dự án ở Đà Nẵng. Anh Khá cho biết khi mua 2 căn condotel này, chủ đầu tư cam kết mức lợi nhuận lên tới 12% nhưng cũng chỉ trả được 3 tháng đầu, những tháng tiếp theo đều gửi thông báo xin khách hàng thông cảm cho trả rải rác theo tuần do tình hình kinh doanh ế ẩm. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư vẫn không chưa thanh toán hết tiền cho anh Khá như đã cam kết. “Bản thân tôi phải đi vay hàng tỷ đồng mua dự án với dự định sẽ dùng tiền cam kết lợi nhuận để trả lãi ngân hàng. Giờ chủ đầu tư bội tín, nói không còn khả năng chi trả nữa và mong khách hàng thông cảm. Tôi thông cảm cho chủ đầu tư rồi lấy ai thông cảm cho tôi? Đã mấy tháng qua không có khách thuê căn hộ. Tôi rơi về thế khó khi cho thuê không được mà bán cũng không xong và cũng không biết đi đâu để đòi quyền lợi” – anh Khá chia sẻ đầy bức xúc

Theo các chuyên gia bất động sản, mức cam kết lợi nhuận 8 – 12%/năm là con số rất khó thực hiện bởi giá bán được quảng cáo là cam kết lợi nhuận và chi trả ngay cho người mua đều đã được tính vào giá bán. Như vậy cam kết lợi nhuận thực tế chỉ là “mồi nhử” khách hàng; chưa kể việc bảo dưỡng, vận hành dự án cũng rất quan trọng. Những dự án càng cũ đi nếu không được bảo dưỡng tốt, giá thuê sẽ khó đảm bảo mức lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng cho thuê lại (tức là khách mua ủy thác chủ đầu tư kinh doanh) chỉ được ký sau khi dự án hoàn thành nên thực tế chính sách cam kết lợi nhuận cao chỉ nên tham khảo.

Theo Báo cáo Du lịch thường niên 2018, dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2019 sẽ tăng 6,5- 8,5% so với năm 2018, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân của thế giới là 3-4% và cao hơn mức tăng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 5-6%. Còn theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch), trong giai đoạn 2015-2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trung bình 25%/năm. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển du lịch Việt Nam nhưng cũng chính mức tăng trưởng bùng nổ này khiến năng lực, sức chứa tại một số trung tâm du lịch bị quá tải vào một số thời điểm, nhất là dịp lễ tết, mùa cao điểm khách quốc tế và nội địa.

Đây được xem là tín hiệu vui cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam – bà Dương Thùy Dung, nhà đầu tư muốn nhắm đến thị trường tiềm năng này không nên để tâm quá nhiều vào cam kết lợi nhuận mà cần phải chú ý đến nhiều yếu tố khác quan trọng hơn. “Dẫu biết cam kết lợi nhuận cao là một chính sách hấp dẫn khiến condotel phát triển bùng nổ nhưng tương lai đâu ai đoán định được, chính vì vậy việc cam kết lợi nhuận chẳng khác nào “con dao hai lưỡi” – bà Dung nhấn mạnh.

Còn theo lãnh đạo một công ty bất động sản tại Tp.HCM, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á và đó là lý do bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc đầu tư tiềm năng, còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên mức sinh lời bình quân mỗi năm của một dự án nghỉ dưỡng chỉ vào khoảng 6-7%; nếu vượt quá con số này e rằng khó có thể thực hiện. Và để đảm bảo mức cam kết với khách hàng đòi hỏi chủ đầu tư phải có sự tính toán kỹ lưỡng nhằm cân đối dòng tiền, đồng thời vạch ra phương án trong dài hạn để đạt hiệu suất khai thác kinh doanh tốt khi dự án đi vào vận hành.

Trân Nguyễn