Các vấn đề kinh tế trong hội nghị thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình

Tập Cận Bình và Biden vừa tiến hành hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trong bối cảnh nền kinh tế hai bên đang bị đe dọa.

Việc quản lý mối quan hệ của Mỹ với đối thủ kinh tế lớn nhất của họ là một trong những thách thức khó khăn nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Vì vậy, khi Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối ngày thứ Hai, các vấn đề như chuỗi cung ứng, trợ cấp và thuế quan, sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản rộng lớn của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể là chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận.

Dưới đây là một số vấn đề về nền kinh tế mà hai bên có thể thảo luận:

Thương mại và thuế quan

Khoảng hai chục nhóm doanh nghiệp đang gây áp lực lên chính quyền Biden để xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc để giúp giảm lạm phát gia tăng. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết rằng một động thái như vậy đang được “xem xét”.

Tuy nhiên, điều đó có thể không xảy ra. Trong khi chính quyền Biden gần đây đã đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu để giảm bớt các lệnh trừng phạt từ thời Trump đối với nhôm và thép, họ vẫn tiếp tục chỉ trích các hoạt động thương mại và trợ cấp của Trung Quốc cho các doanh nghiệp trong nước.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên hôm Chủ nhật rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng và thuế quan không nằm trong chương trình nghị sự của Biden cho cuộc họp, nhưng có thể ông Tập sẽ nêu ra các vấn đề đó.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc

Bà Yellen cũng cho biết hôm Chủ nhật rằng chính quyền đang theo dõi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn ở Trung Quốc và cảnh báo về những hậu quả toàn cầu có thể xảy ra nếu nền kinh tế Trung Quốc “chậm lại hơn dự kiến”. GDP của quốc gia này tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong quý trước.

Khi được hỏi liệu bà có tin rằng Trung Quốc có thể kiểm soát được tình trạng suy giảm tài chính do bất động sản lao dốc hay không, bà nói “Đó là điều quan trọng, mà chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có nhiều công ty nhận được quá nhiều đòn bẩy và đó là điều mà Trung Quốc đang cố gắng giải quyết”.

Trong một báo cáo gần đây, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cảnh báo rằng “những căng thẳng tài chính ở Trung Quốc … có thể gây căng thẳng hơn nữa cho thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ”. Fed cũng đã nhắc tới cách cụ thể về cuộc khủng hoảng tại Evergrande.

Năng lượng và khí hậu

Trung Quốc và Mỹ gần đây đã tìm ra điểm chung về cuộc khủng hoảng khí hậu, gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát tại cuộc đàm phán về khí hậu COP26 ở Scotland với việc đưa ra cam kết chung cắt giảm khí thải.

William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết: “Tôi không mấy kỳ vọng về triển vọng hợp tác của họ trong bất cứ điều gì, ngoại trừ về vấn đề khí hậu, nơi lợi ích của họ trùng khớp với nhau”.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng là những nước gây ô nhiễm lớn nhất và cả hai đều đang cảm nhận nỗi đau của cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng hơn do nỗ lực chuyển đổi sang các nguồn cung cấp xanh hơn.

Cả Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới và Mỹ đều không ký vào một thỏa thuận được công bố tại COP26, trong đó một số quốc gia cam kết loại bỏ dần việc sử dụng than. Thay vào đó, họ cam kết rằng họ sẽ giảm dần việc sử dụng than.

Quang Dũng