Các quyết định trừng phạt Bắc Kinh của Tổng thống Trump và tác động đến nền kinh tế Việt Nam
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang đến hồi cao trào và đầy kịch tính. Theo phân tích của TS. Lê Hồng Hiệp – Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ lan toả sang cấp độ thấp hơn khi mỗi bên đều tìm kiếm cho mình lực lượng đồng minh, đối tác để gia tăng thanh thế….
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump tiếp tục thêm “mồi lửa” vào cuộc chiến thương mại khốc liệt khi tuyên bố Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc kể từ ngày 1/9/2019. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi đàm phán Mỹ – Trung kết thúc 2 ngày làm việc tại Thượng Hải với ít dấu hiệu tiến bộ mặc cho hai bên khẳng định đàm phán mang tính xây dựng.
Nhiều dòng trạng thái chỉ trích Trung Quốc cũng đã được Tổng thống Donald Trump đăng tải trên trang Twitter như “Gần đây nhất, Trung Quốc đồng ý mua nông sản Mỹ với số lượng lớn, nhưng đã không làm. Thêm vào đó, anh bạn Chủ tịch Tập (Cận Bình) của tôi nói rằng ông ta sẽ ngưng bán Fentanyl (thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện) cho Mỹ – thực ra thì có làm đâu, và nhiều người Mỹ tiếp tục chết!”
Nhận định về động thái mới của Mỹ, TS. Lê Hồng Hiệp cho rằng Mỹ sẵn sàng chấp nhận một số tổn thất kinh tế để đạt được mục tiêu chiến lược lớn hơn là kiềm chế Trung Quốc. Mặt khác, nếu như Mỹ duy trì được nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ thay thế từ các quốc gia khác, tác động của sự leo thang chiến tranh thương mại lên người tiêu dùng Mỹ có thể không đáng kể. Nước cờ của Tổng thống Trump có vẻ như không phải là điều quá bất ngờ đối với người đàn ông tự hào nhìn nhận mình là “Tariff man” – Người đàn ông thuế quan.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 với báo Trí Thức Trẻ, GS. Hà Tôn Vinh cho biết áp thuế đang là vũ khí hữu hiệu nhất của Mỹ. Với 300 tỷ hàng hoá còn lại của Trung Quốc, Tổng thống Trump nhiều khả năng cũng dám chơi đến cùng bởi lẽ Mỹ đang ở thế cửa trên trong cuộc chơi này và còn nhiều dư địa để có thể tạo sức ép với Trung Quốc. Một nửa tổng số hàng hoá Trung Quốc xuất sang Mỹ hiện chưa bị áp thuế trong khi Bắc Kinh đã chạm ngưỡng.
Đồng quan điểm với GS. Hà Tôn Vinh, TS. Lê Hồng Hiệp cho rằng nếu Trung Quốc không chấp nhận xuống nước và đáp ứng một số đòi hỏi của Mỹ, dư địa cho việc Mỹ leo thang cuộc chiến vẫn còn. Trước mắt, Mỹ vẫn có thể tăng mức thuế đối với một phần hoặc toàn bộ 300 tỉ USD hàng hóa kể trên lên mức 25%, như đã xảy ra với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 5. Chắc chắn đó là một kết cục Trung Quốc không hề mong muốn. “Sự xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ lan toả sang cấp độ thấp hơn khi mỗi bên đều tìm kiến cho mình lực lượng đồng minh, đối tác để gia tăng thanh thế. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia bé hơn sẽ bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng như các quốc gia khác phải luôn chuẩn bị tâm thế và có các bước đi phù hợp để giảm thiểu rủi ro, đồng thời gặt hái được những lợi ích tối đa từ cơn sóng thần địa chính trị đang diễn ra” – ông Hiệp nhận định.
Cũng theo ông Hiệp, khả năng Việt Nam bị Mỹ tấn công thương mại vẫn chưa xảy ra trong ngắn hạn. Mỹ vẫn đang ưu tiên Việt Nam về một số khía cạnh; lý do là trong chiến tranh thương mại, khi trừng phạt Trung Quốc, Mỹ vẫn cần những nguồn hàng hoá nhập khẩu thay thế với mức giá hợp lý và Việt Nam có thể là nguồn hàng hoá bổ sung trong trường hợp hàng hoá Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn do thuế quan. Áp thuế đồng loạt với hàng hoá Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực với người Mỹ, không tốt cho vị thế chính trị của chính quyền Trump.
Còn về mặt chiến lược, Mỹ vẫn cần thêm đồng minh trong bối cảnh cạnh tranh, trong khu vực này Việt Nam cũng được Mỹ xem là đối tác mới nổi có tầm quan trọng. Tuy nhiên, cần lưu ý là Mỹ vẫn có thể sử dụng các biện pháp với Việt Nam như là đòn bẩy để Việt Nam đưa ra sự nhượng bộ khi cần thiết.