Các nhà sản xuất dệt may Châu Á đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về đại dịch Covid-19
“Nếu công nhân của chúng tôi không chết vì virus Corona, họ sẽ chết vì đói.”
Đây là đánh giá rõ ràng về cách thức đại dịch ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dệt may từ chủ xưởng may, Vijay Mahtaney, chủ tịch của Ambattur Fashion Ấn Độ.
Thông thường, Vijay Mahtaney và các đối tác Amit Mahtaney và Shawn Islam sử dụng tổng cộng 18.000 công nhân ở 3 quốc gia – Bangladesh, Ấn Độ và Jordan. Nhưng sự bùng phát đã buộc họ phải đóng cửa phần lớn các doanh nghiệp, chỉ với một nhà máy ở Dhaka còn hoạt động một phần.
Việc phong tỏa vì virus Corona không phải là điều duy nhất ảnh hưởng đến khả năng trả lương cho công nhân của họ. Họ nói rằng vấn đề chính của họ là nhu cầu vô lý từ các khách hàng lớn – chủ yếu ở Mỹ và Anh.
“Một số thương hiệu đang thể hiện ý thức hợp tác thực sự và mức độ đạo đức cao trong việc cố gắng đảm bảo ít nhất đủ dòng tiền để trả lương cho công nhân”, Amit Mahtaney, giám đốc điều hành của Tusker Outfit Jordan, nói với BBC.
“Nhưng chúng tôi cũng đã gặp phải các yêu cầu hủy đơn đối với các đơn hàng đã sẵn sàng hoặc đang tiến hành hoặc giảm giá cho các khoản thanh toán chưa thanh toán và đối với hàng hóa quá cảnh. Họ cũng đang yêu cầu gia hạn 30 đến 120 ngày về các điều khoản thanh toán đã thỏa thuận trước đó.”
Trong một email mà BBC có được, một nhà bán lẻ ở Mỹ đã yêu cầu giảm giá 30% cho tất cả các khoản phải trả – hiện tại hoặc đơn đặt hàng, bao gồm cả những sản phẩm đã được giao. Lý do mà họ đưa ra là để “vượt qua giai đoạn khủng hoảng này”.
Các vấn đề bắt đầu từ tháng Hai khi các nhà máy không thể có được nguyên liệu thô mà họ cần từ Trung Quốc, nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 118 tỷ đô la trong năm 2018.
Sau đó, khi các nhà máy dệt của Trung Quốc mở cửa trở lại trong những tuần gần đây – mang lại cho các nhà sản xuất hàng may mặc hy vọng hoạt động trở lại đúng hướng – nhu cầu đã sụp giảm khi các nhà bán lẻ buộc phải đóng cửa sau khi chính phủ trên thế giới ban hành lệnh phong tỏa.
Ngành công nghiệp quan trọng
Trung Quốc có thể được gọi là nhà máy của thế giới, nhưng khi nói đến quần áo, Bangladesh, Indonesia, Campuchia, Việt Nam và Myanmar đóng một vai trò ngày càng tăng.
“Sản xuất hàng may mặc đã được đa dạng hóa nguồn sản xuất, vượt ra khỏi sự phục thuộc vào Trung Quốc trong khoảng mười năm gần đây do chi phí cao tại Trung Quốc”, theo Stanley Szeto của nhà sản xuất hàng may mặc Lever Style vốn cung cấp cho các thương hiệu cao cấp như Hugo Boss, Theory, Vince và Coach, cũng như các thương hiệu trực tuyến như Bonobos , Stich Fix và Everlane.
Điều đó có nghĩa là sản xuất hàng may mặc là một ngành công nghiệp quan trọng đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển của châu Á, với dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới cho thấy Bangladesh và Việt Nam nằm trong số 4 nhà xuất khẩu quần áo lớn nhất thế giới. Bangladesh hiện chiếm 6,7% thị phần, tiếp theo là Việt Nam với 5,7%.
Bangladesh có hơn 4 triệu công nhân may mặc, và các sản phẩm dệt may chiếm hơn 90% xuất khẩu của quốc gia này năm ngoái.
“Campuchia và Sri Lanka cũng phụ thuộc vào ngành công nghiệp chiếm hơn 60% xuất khẩu của họ”, theo Sheng Lu tại khoa nghiên cứu thời trang và may mặc của Đại học Delwar.
Ngành công nghiệp này chiếm hơn một nửa số công việc sản xuất ở Bangladesh và 60% ở Campuchia, với hoạt động sản xuất là công việc đặc biệt quan trọng của phụ nữ.
Phó giáo sư Lu nghĩ rằng đại dịch COVID-19 có thể khiến cho các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Campuchia và Ấn Độ cắt giảm từ 4% đến 9% việc làm trong ngành may mặc.
Đó là một phần lý do tại sao chính phủ Bangladesh đang cố gắng giúp đỡ ngành công nghiệp này.
Shawn Islam, giám đốc điều hành của Sparrow Outfit Bangladesh cho biết, “họ đã đưa ra một gói kích thích hào phóng để trợ cấp tiền lương, chuyển đổi các khoản vay thành nợ dài hạn và đưa ra mức lãi suất rất hợp lý. Trong khi nó không đủ để vượt qua cơn bão, nhưng nó sẽ mang lại lợi ích”.
Chính phủ Campuchia cũng đã công bố miễn thuế cho các nhà máy dệt may và đề xuất một chương trình trợ cấp lương cho công nhân.
“Đó là bởi vì sự bùng phát này có thể dẫn đến một tác động dài hạn hơn như thiếu lao động, tăng giá nguyên liệu thô và thiếu năng lực sản xuất”, phó giáo sư Lu nói.
Sau những chỉ trích và áp lực ngày càng lớn, một số thương hiệu bao gồm cả chủ sở hữu H&M và Zara, Inditex đã cam kết thanh toán đầy đủ cho các đơn đặt hàng hiện có từ các nhà sản xuất quần áo.
“Các thương hiệu đã thu được lợi nhuận trong nhiều năm từ việc sản xuất ở các quốc gia có mức lương thấp mà không có hệ thống an sinh xã hội và trong nhiều trường hợp đã xây dựng nên những đế chế khổng lồ thông qua mô hình kinh doanh này”, Dominique Muller của Tổ chức Labour behind the Label cho biết.
Chủ nhà máy Amit Mahtaney nói: “Các nhà bán lẻ phải giúp đỡ ngành dệt may. Các gói cứu trợ của các chính phủ giàu hơn cũng rất quan trọng”, ông nói.
“Không có nó”, ông tuyên bố, “ngành công nghiệp này có thể bị xóa sổ hoàn toàn”.
Hạnh Phúc