Các nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục đổ tiền vào các thị trường ở châu Á
Dù là cổ phiếu, trái phiếu hay hầu như bất kỳ loại tài sản nào khác, dòng tiền nước ngoài đang đổ vào châu Á khi các nhà đầu tư đặt cược rằng đây sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất khi thế giới phục hồi sau đại dịch.
Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đã tăng lên mức kỷ lục vào tuần trước và chỉ số trái phiếu Bloomberg Barclays gần với mức cao nhất trong 4 năm.
Nhìn chung, tiền tệ của khu vực đang ở mức mạnh nhất kể từ năm 2018 và hàng hóa cũng đang tăng giá.
Theo Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ), kết quả tích cực của cuộc bầu cử Mỹ, tiến bộ đáng khích lệ về vắc-xin, thanh khoản dồi dào và “nhịp tăng trưởng đang cải thiện” đã thúc đẩy nhu cầu về sở hữu các tài sản ở châu Á.
Ông Goh viết trong một ghi chú hôm thứ Ba (8/12): “Chúng tôi dự đoán tình hình vi rút được kiểm soát, tăng trưởng toàn cầu được cải thiện và thanh khoản dồi dào sẽ thúc đẩy dòng tiền hơn nữa vào khu vực. Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền tiếp tục mạnh mẽ trong suốt năm 2021, điều này sẽ hỗ trợ thị trường tài sản của châu Á.”
Tuần trước, các nhà đầu tư đã đổ nhiều tiền nhất vào các quỹ giao dịch trên thị trường mới nổi kể từ tháng 1 và dòng tiền chủ yếu đổ về châu Á, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Các quỹ của Trung Quốc và Hồng Kông nhận thấy nhu cầu lớn nhất, các quỹ ETF của Hàn Quốc có dòng tiền vào kỷ lục trong khi không có quốc gia nào bị thoái vốn.
Về mặt thu nhập cố định, sự thèm muốn đối với châu Á cũng đang tăng lên. Tỷ lệ nắm giữ nợ của nước ngoài tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 1,79 nghìn tỷ nhân dân tệ và các quỹ toàn cầu đã mua hơn 2,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Indonesia có lợi suất cao trong quý này, nhiều nhất kể từ tháng 9 năm 2019.
Tuy nhiên, một số chiến lược gia cảnh báo rằng cơn sốt có thể chậm lại, đặc biệt là do dòng vốn vào Trung Quốc có thể giảm dần.
Ashish Agrawal và Yile Gu của Barclays Plc viết trong một ghi chú hôm thứ Ba rằng: “Nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ chậm lại vào tháng 12 và đầu năm 2021, khi việc đưa Trung Quốc vào hai chỉ số chính đã gần hoàn tất. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang có dấu hiệu chậm lại ở các thị trường khác”.
Minh Anh