Các nhà đầu tư EU vẫn tin tưởng vào tương lai của Việt Nam
Đó là khẳng định của ông Alain Cany – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại cuộc họp báo trực tuyến sau buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ông Alain Cany cho biết tại buổi làm việc với Thủ tướng, các đại biểu tập trung thảo luận về những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong đợt tái bùng phát dịch lần thứ tư; đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp tạo đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động kinh tế – xã hội, hướng tới phục hồi sự phát triển của đất nước sau đại dịch.
Khảo sát mới nhất của EuroCham cho thấy trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) chỉ đạt 15,2 điểm – ngưỡng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Có đến 76% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ có kết quả kinh doanh “không tốt” trong kỳ 3 tháng (6 – 8/2021), trong đó có 29% doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh của họ “rất tệ”. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn phần lớn do những hạn chế trong khâu vận tải – cung ứng (71%) và điều kiện thị trường (51%)….
Theo ghi nhận của ông Guru Mallikarijuna – Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà máy đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như việc di chuyển, đi lại của người dân, công nhân; chưa có đầy đủ hướng dẫn hàng hóa thiết yếu…Ngoài ra việc triển khai chính sách “3 tại chỗ”, “1 tuyến đường, 2 điểm đến” khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là phần chi phí bị đội lên cao; việc triển khai tiêm chủng vaccine cho nhân viên cũng chưa thật đồng đều.
Khảo sát của EuroCham cho thấy có khoảng 56% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine cho nhân viên, chủ yếu là các công ty có trụ sở tại Tp.HCM. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp còn lại, 81% cho biết họ chưa nhận được kế hoạch cụ thể về việc tiêm phòng cho nhân viên, 9% cho biết họ không rõ về kế hoạch tiêm vaccine cho người lao động từ nhà chức trách. “Đối mặt với khó khăn do phong tỏa và giãn cách xã hội kéo dài, khoảng 18% các doanh nghiệp châu Âu trong ngành sản xuất buộc phải chuyển dịch một phần nhu cầu sản xuất/đơn hàng sang các nước khác. Tuy nhiên vẫn chưa có doanh nghiệp nào rời khỏi Việt Nam trong bối cảnh này. Nhìn chung các nhà đầu tư EU đều rất tin tưởng vào tương lai của Việt Nam và mong muốn gắn bó lâu dài với dải đất hình chữ S này” – ông Alain Cany nhấn mạnh.
Để giảm bớt khó khăn và áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung – doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nói riêng, Chủ tịch EuroCham cũng đề xuất cần tăng tốc việc tiêm phòng vaccine trên diện rộng; đảm bảo sự lưu thông tự do của hàng hóa cũng như sự đi lại thuận tiện hơn cho người lao động; rút ngắn thời gian cách ly cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo điều kiện cho các chuyên gia đã được tiêm vaccine trở lại Việt Nam làm việc; đảm bảo các nhà máy và công ty có thể hoạt động trở lại càng sớm càng tốt…Theo ông Alain Cany, điều mà các doanh nghiệp thành viên EuroCham cần lúc này là một lộ trình rõ ràng cùng các giải pháp căn cơ nhằm giải quyết triệt để các rào cản đối với hoạt động thương mại. Thông qua một kịch bản, lộ trình chi tiết sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ sở vững chắc để lên kế hoạch tái khởi động các hoạt động kinh doanh.
Ghi nhận những ý kiến, đóng góp của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép. Những gì đã làm được, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa, khi chưa có giải pháp căn cơ sẽ chọn giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể; luôn sẵn sàng đồng hành tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ngược lại, Thủ tướng cũng mong muốn các nước EU sẽ tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào những lĩnh vực mà EU có nhu cầu, tạo thế cân bằng trong lĩnh vực đầu tư và thương mại, hướng đến mục tiêu đôi bên cùng có lợi.
Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và nhấn mạnh đây chỉ là những khó khăn tạm thời. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng an toàn với dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài.
Bảo Anh