Các ngân hàng TW đối mặt với quyết định khó khăn sau cuộc xâm lược của Nga
Trong lúc nhiều ngân hàng trung ương đã đặt mục tiêu bình thường hóa chính sách tiền tệ khi các nền kinh tế nổi lên từ đại dịch, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến họ phải bất ngờ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuần trước đã thông qua đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn ba năm và sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm tại mỗi cuộc họp trong số sáu cuộc họp chính sách còn lại trong năm nay, vì điều đó có thể sẽ kiềm chế lạm phát tăng vọt.
Ngân hàng Trung ương Anh đã áp dụng đợt tăng lãi suất thứ ba liên tiếp nhưng đưa ra một giọng điệu tương đối ôn hòa, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine và áp lực tăng giá năng lượng dự kiến sẽ khiến lạm phát cao hơn trong thời gian dài.
Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gây bất ngờ cho thị trường khi thông báo sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào quý 3 năm 2022.
Vì vậy, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh đưa ra lập trường nhẹ nhàng, thì thì Fed và ECB đều gây ngạc nhiên với quyết định mang tính diều hâu, cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với hành động phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã phải hứng chịu sự gia tăng của lạm phát do hậu quả của đại dịch, khiến giá tiêu dùng hàng năm tăng cao trong nhiều thập kỷ
Rủi ro ở đây là bằng cách thắt chặt chính sách mạnh mẽ ngay cả khi tăng trưởng bị đe dọa bởi xung đột và điều kiện tài chính và thị trường lao động thắt chặt, các ngân hàng trung ương có thể vô tình kích hoạt nguy cơ “đình lạm”.
Tuy nhiên, hầu hết dường như đã ưu tiên kiềm chế lạm phát, vượt qua những quan ngại về tăng trưởng kinh tế. Và cho đến nay họ vẫn không hề nao núng trước những tác động tiềm tàng của chiến tranh.
Mario Centeno, thống đốc ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha và thành viên Hội đồng quản trị ECB, nói với CNBC vào tuần trước rằng các điều kiện để nâng lãi suất vẫn chưa được đáp ứng, với quy trình bình thường hóa vẫn ở mức “trung lập” và “phụ thuộc vào dữ liệu”.
Centeno cho biết triển vọng khu vực đồng euro phụ thuộc vào thời gian diễn ra xung đột và tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Ông nói: “Thất nghiệp có lẽ là chỉ báo tốt nhất cho nền kinh tế châu Âu những ngày này. Chúng tôi có một thị trường lao động rất mạnh đang thoát khỏi suy thoái – nó thường được hỗ trợ bởi các biện pháp chính sách tài khóa, đó là lý do tại sao tôi nghĩ việc điều phối là một vấn đề rất quan trọng ở châu Âu. Ông đồng thời đề xuất rằng các chính phủ và ngân hàng trung ương cần duy trì phối hợp.
Ông nói thêm: “Ngay cả khi đó có lẽ không phải là kịch bản có khả năng xảy ra nhất hiện nay, thì một kịch bản với tăng trưởng thấp và lạm phát cao cũng không nằm ngoài khả năng xảy ra trong tương lai gần và chúng ta phải hết sức thận trọng”.
Quốc Anh