Các ngân hàng trung ương khu vực châu Á nói gì về tuyên bố tăng lãi suất của FED?
Mới đây Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ bắt đầu thắt lại chính sách tiền tệ lỏng lẻo thời Covid-19; đồng thời triển khai thêm 2 đợt tăng lãi suất từ nay đến hết năm 2023. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp định kỳ kéo dài 2 ngày (15-16/6) của FED.
Sự thay đổi theo hướng “diều hâu” của FED đã tạo ra những chuyển động rõ nét trên thị trường tài chính châu Á. Một mặt đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng giá giúp giảm áp lực đang đè nặng lên các ngân hàng trung ương lớn nhất khu vực. Mặt khác, bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng ngày càng trở nên rối rắm hơn.
Tỷ lệ thuận với triển vọng lãi suất gia tăng tại Mỹ, nguy cơ dòng vốn bị rút khỏi châu Á cũng tăng lên, khiến các đồng tiền châu Á giảm giá và đẩy chi phí đi vay gia tăng. Điều này có lợi cho các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nhật Bản – những quốc gia đang muốn rẻ hóa đồng nội tệ. Tuy nhiên đối với các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia…, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương lại bị thu hẹp đáng kể.
Teresa Kong – Chuyên gia của Matthews International Capital Management LLC (Mỹ) cho biết các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức nếu đồng USD tiếp tục tăng giá. Ngoài ra thông báo tăng lãi suất của FED sẽ khiến chính sách của ngân hàng trung ương các nước mới nổi ở châu Á trở nên ít linh hoạt hơn và nhiều khả năng họ sẽ phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Sau cuộc họp của FED, trong khi đồng USD tăng giá mạnh nhất trong gần 1 năm trở lại đây thì đồng Peso của Philippine, Rupiah của Indonesian và won của Hàn Quốc lại giảm giá mạnh nhất. Ngoài ra lợi suất trái phiếu 10 năm do chính phủ New Zealand và Australia phát hành cũng tăng vọt.
Các nhà đầu tư đưa ra dự báo rằng FED sẽ tăng lãi suất trước cuối năm 2022. Ngoài ra thị trường hoán đổi qua đêm cũng đưa dự báo ngân hàng trung ương Zealand sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trước cuối năm 2022.
Về phía ngân hàng trung ương Australia, Thống đốc Philip Lowe cho biết trong một số kịch bản mà cơ quan này tính đến, các điều kiện yêu cầu tăng lãi suất sẽ xuất hiện trong năm 2024. Ngay sau phát biểu này, Australia công bố tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,1%, thấp một cách đáng ngạc nhiên.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thì tuyên bố sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng. Theo chiến lược gia tại Invesco Asset Management (Tokyo) – ông Tomo Kinoshita, tuyên bố tăng lãi suất của FED sẽ làm đồng yên suy yếu và mang lại lợi ích cho BoJ. Tất cả những gì BoJ cần làm lúc này là tiếp tục đi theo con đường mà cơ quan này vẫn đi.
Về phía ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tỏ ra rất ủng hộ những đổi thay của FED vì hiện nay họ đang phải gánh chịu áp lực rất lớn từ việc đồng nhân dân tệ tăng giá, giá hàng hóa tăng vọt đẩy nguy cơ lạm phát lên cao. Trước tình hình trên, PBOC đã phải lên tiếng cảnh báo về đà tăng giá của đồng nhân dân tệ.
Trả lời phỏng vấn truyền thông, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết các quan chức FED sẽ bắt đầu thảo luận về việc thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu để hỗ trợ các thị trường tài chính và các nền kinh tế trong đại dịch. “Nếu Mỹ thực sự tăng lãi suất và đồng USD tăng giá, nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ sụp đổ, đặc biệt là ở những nơi đang hưởng lợi lớn từ chênh lệch lãi suất”, Marc Chandler – Chiến lược gia của Bannockburn Global Forex nhấn mạnh.
Tùng Anh