Các giám đốc điều hành có kế hoạch ưu tiên tăng trưởng xanh sau COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những phương thức kinh doanh mới đáng kể có thể mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế và môi trường, theo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đổi theo hướng bền vững.
Vào tháng 6, gã khổng lồ mỹ phẩm Brazil Natura đã đưa ra tầm nhìn “Cam kết cho cuộc sống” trong 10 năm tới. Kế hoạch này bao gồm các cam kết giảm lượng khí thải xuống mức 0 ròng, có 30% ban quản lý được tạo thành từ các nhóm thiểu số và làm cho tất cả các bao bì của họ có thể tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy được.
CEO Roberto Marques của Natura nói với CNBC qua điện thoại: “Điều này thậm chí còn phù hợp hơn vì thời điểm mà chúng ta thực hiện và vì tầm quan trọng của việc suy nghĩ về cách chúng ta muốn định hình thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng này rao sao”. Natura sở hữu thương hiệu The Body Shop của Anh, công ty chăm sóc da Aesop của Úc, và vào tháng 1 đã chốt thỏa thuận mua lại công ty Avon của Mỹ, tạo ra một tập đoàn mà họ tuyên bố có 200 triệu khách hàng.
Đối với Natura, tăng trưởng tài chính và tính bền vững đi đôi với nhau, và thù lao của các giám đốc điều hành một phần dựa trên các mục tiêu xanh, Marques nói.
Đối với Richard Mattison, Giám đốc điều hành của Trucost, một công ty thuộc sở hữu của S&P Global chuyên dự đoán rủi ro khí hậu đối với các doanh nghiệp, đại dịch đã tạo ra những cơ hội tốt cho nền kinh tế và hành tinh.
Mattison gợi ý rằng có ba điều mà các công ty có thể làm: cắt giảm việc đi công tác, đưa ra chính sách làm việc tại nhà và làm cho chuỗi cung ứng trở nên khép kín trong địa phương hơn.
Ông nói thêm: Giảm 40% việc đi công tác và phụ thuộc nhiều hơn vào các cuộc gọi video có nghĩa là ngành hàng không đang đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu khí hậu đã cam kết như một phần của Thỏa thuận Paris 2015.
Chồi xanh
Các chính phủ trên khắp thế giới đang phát hành ngân quỹ để thúc đẩy nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch – và một số đã đưa ra các biện pháp xanh. Vào tháng 5, Ủy ban châu Âu đã công bố một gói kích thích mới liên quan đến COVID-19, với 150 tỷ euro được phân bổ cho các sáng kiến xanh.
Đối với Helen Clarkson, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận The Climate Group, chi tiêu sau đại dịch là một cơ hội quan trọng để đầu tư vào các cách thức giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Sau cuộc suy thoái 2008-2009, các vấn đề về tính bền vững có xu hướng bị bỏ qua. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác, một phần do áp lực từ các thế hệ trẻ và cũng do các doanh nghiệp đang phải hình dung lại chính mình, bà Clarkson nói thêm.
Hành động của chính phủ
Nhóm hoạt động vì khí hậu đã gây áp lực lên các chính phủ trong việc tạo ra một khuôn khổ chính sách để đẩy nhanh cách thức sử dụng năng lượng xanh của các doanh nghiệp và vào tháng 6 đã gửi một lá thư tới EU kêu gọi ưu tiên tài trợ cho cơ sở hạ tầng điện. Các bên ký kết bao gồm AB InBev, Google và Visa.
Bà Clarkson nói rằng châu Âu dẫn đầu khi nói đến các sáng kiến xanh. “Trong các lĩnh vực mà Châu Âu dẫn đầu, những nước khác sẽ theo sau. Tôi cảm thấy lý do quan trọng để giữ áp lực lên EU (là) vì họ là khu vực có nhiều khả năng nhất trong số tất cả các khu vực trên thế giới (để hành động).”
Vào tháng 6, Unilever đã công bố khoản đầu tư 1 tỷ đô la vào quỹ thiên nhiên và khí hậu và cam kết không phát thải ròng trên tất cả các sản phẩm của mình vào năm 2039. Marc Engel, giám đốc chuỗi cung ứng của công ty, đã kêu gọi các chính phủ lập kế hoạch giảm phát thải ròng, mục tiêu muộn nhất vào năm 2050.
Trâm Anh