“Các doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan cần đẩy mạnh tái cấu trúc, đưa ra chiến lược đột phá hợp tác…”

Đây là đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn gặp gỡ doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam – Thái Lan, một hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông tới Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn dàn Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam – Thái Lan, chiều 17/11. Ảnh: Hoài Thu

Theo người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, trong nguy luôn có cơ. Mặc dù khu vực ASEAN nói riêng – thế giới nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như khủng hoảng năng lượng, xung đột địa chính trị… song đây cũng là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam – Thái Lan đẩy mạnh tái cấu trúc, đưa ra chiến lược đột phá hợp tác; trong đó ưu tiên hàng đầu là phải phát triển, thảo luận và hợp vốn để triển khai những dự án quy mô lớn. “Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thuế, tín dụng… để doanh nghiệp, doanh nhân có vốn thực hiện các dự án đạt hiệu quả cao, nhất là các dự án Thái Lan quyết tâm đầu tư vào Việt Nam” – Thủ tướng cam kết.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cũng khuyến khích doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư dựa trên nền tảng là mối quan hệ đối tác chiến lược và các hiệp định thương mại đã ký kết. Về phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp nền tảng như ôtô, kinh tế số…

Thống kê cho thấy trong tổng số 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam thì Thái Lan hiện là đối tác lớn thứ 8 với tổng cộng 700 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD; tập trung vào các lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, công nghệ cao, năng lượng, bán lẻ, nông nghiệp, môi trường, tài chính – ngân hàng, điện tử, chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi…Thời gian gần đây các nhà đầu tư Thái Lan đặc biệt quan tâm đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo – một trong những lĩnh vực kinh tế tiềm năng của Việt Nam.

Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thái Lan đạt gần 20 tỷ USD và hai nước đang nỗ lực phấn đấu nâng con số này lên 25 tỷ USD, thậm chí 30 tỷ USD vào năm 2025. Theo đánh giá của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đây là mục tiêu không quá khó với các doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước.

Cùng ngày, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan như CP, Amata, SCG. Tiếp Chủ tịch Tập đoàn CP Dhanim Chearnont, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định là một thương hiệu lớn tại thị trường Việt Nam, CP cần mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam, cải tiến, nâng cao công nghệ chế biến, nhất là chế biến các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao từ gia súc, gia cầm….

Với Tập đoàn Amata, doanh nghiệp này đã có lịch sử 25 năm đầu tư tại Việt Nam với nhiều khu công nghiệp trải khắp chiều dài đất nước, từ Quảng Ninh cho đến Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu… CEO Amata – ông Vikrom Kromadit bày tỏ nguyện vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện các chính sách về đất đai, giải quyết được những khó khăn trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt hơn để Amata nói riêng – các nhà đầu tư FDI nói chung sớm triển khai và đưa dự án đi vào hoạt động.

Về phía SCG, doanh nghiệp này đang đầu tư dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tiếp CEO Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của SCG trong việc triển khai dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam. Chủ tịch nước cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và đề nghị SCG phối hợp chặt với các bộ, ban ngành, địa phương Việt Nam để sớm đưa dự án vào vận hành thương mại theo đúng kế hoạch.

Như Mây