Các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn phát triển lâu dài tại Việt Nam

Đây là kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2021 vừa được Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM công bố

Định hướng phát triển kinh doanh 1-2 năm tới của doanh nghiệp Nhật Bản. Nguồn: Jetro

Khảo sát được Jetro thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương. Trong số 4.635 doanh nghiệp trả lời hợp lệ có 702 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Mặc dù cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 25/8/2021 đến ngày 24/9/2021, trùng với khoảng thời gian Việt Nam thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt song kết quả khảo sát vẫn rất tích cực, trong đó triển vọng tăng trưởng về thị trường Việt Nam rất khả quan cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn phát triển lâu dài ở đây.

Cụ thể kết quả khảo sát cho thấy có đến hơn 55% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam 1-2 năm tới; hơn 42,5% doanh nghiệp dự kiến duy trì ở quy mô hiện tại. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn thu hẹp hoạt động chỉ khoảng 2% và tỷ lệ doanh nghiệp có ý định rút khỏi Việt Nam chỉ khoảng 0,5%

Ông Takeo Nakajima – Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội cho biết mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam có giảm so với trước dịch nhưng đây là xu thế chung tại hầu hết các quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, nhất là trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

 Tín hiệu vui là so với mặt bằng chung khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng sản xuất luôn duy trì ở mức cao và cơ sở để các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam tin tưởng mở rộng sản xuất trong năm 2022 nằm ở bức tranh xuất khẩu được dự báo sẽ hết sức lạc quan, chưa kể quy mô tăng trưởng doanh thu của thị trường nội địa cũng rất hấp dẫn.

Ngoài ra chất lượng nhân công cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt các doanh nghiệp Nhật. Khảo sát của Jetro cho thấy nếu tại các thị trường khác chất lượng lao động là khó khăn chung của các doanh nghiệp Nhật Bản thì tại thị trường Việt Nam vấn đề này lại không được đề cập; qua đó phần nào cho thấy các doanh nghiệp Nhật đánh giá cao chất lượng người lao động tại Việt Nam. Đặt trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, vấn đề cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các nước diễn ra vô cùng khốc liệt tạo áp lực đè nặng lên vai doanh nghiệp khi vừa thiếu lao động tạm thời do Covid-19 vừa phải tăng tiền lương. Trong dđó Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ tăng lương ở mức cao nhất trong các nước ASEAN.

Những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật đánh giá rất cao về hệ thống pháp luật minh bạch cũng như những cải cách hết sức quyết liệt về mặt thủ tục hành chính của Việt Nam. Tuy nhiên trong hai năm 2020 và 2021, điểm số về vấn đề này lại sụt giảm mạnh có thể do chịu sự tác động từ các quyết sách chống dịch ngắn hạn. Còn trong dài hạn, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, doanh nghiệp Nhật vẫn `kỳ vọng môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách hành chính tại Việt Nam sẽ có sự cải thiện đáng kể.

Xoay quanh thông tin về 39 doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam theo chương trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật Bản, ông Takeo Nakajima lưu ý phần lớn doanh nghiệp này đã có mặt tại Việt Nam từ trước và muốn dịch chuyển dây chuyển sản xuất từ thị trường khác sang Việt Nam.

Cũng theo Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội, trong năm 2021 phần lớn các khoản đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đến từ đầu tư mở rộng. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới diễn biến ngày càng khó lường, số lượng doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam cũng có sự sụt giảm. Trong lĩnh vực chế tạo, việc mở rộng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận sự dịch chuyển từ các mặt hàng đa năng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Còn trong lĩnh vực phi chế tạo, các doanh nghiệp dành trọng tâm cho khâu bán hàng tại thị trường Việt Nam và xem đây như một giải pháp thích nghi với chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì dịch Covid-19.

Huy Anh