Các định chế tài chính quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam gần đây, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống còn 6,5%, giảm 0,7% so với dự báo hồi tháng 1 (7,2%). Không chỉ Standard Chartered mà nhiều định chế tài chính quốc tế khác cũng đồng loạt hạ chỉ số này.

Giải thích nguyên nhânhạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, đại diện Standard Chartered cho biết xét từ đầu năm đến nay, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có xu hướng chậm lại. Cụ thể trong 4 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó kim ngạch xuất khẩu giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái, tương tự kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 15,4%, với thặng dư thương mại đạt 6,4 tỷ USD.
Lạm phát ở mức 2,8% trong tháng 4, giảm tháng thứ 3 liên tiếp từ mức 4.9% hồi tháng 1. Do doanh số bán lẻ tăng mạnh 11.5% nên lạm phát cơ bản cũng tăng 4,6%. Lũy kế từ tháng 1 đến tháng 4/2023, vốn FDI giải ngân đạt gần 6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ; vốn FDI cam kết đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, giảm gần 18%.
Theo ông Tim Leelahaphan – Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, do đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là nhập khẩu nhiều nên việc chỉ số nhập khẩu tụt dốc cũng phần nào cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại dù tiêu dùng trong nước vẫn tăng
Không chỉ Standard Chartered mà nhiều định chế tài chính quốc tế khác cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Đơn cử Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 từ 6,2% xuống 5,8%; tương tự Ngân hàng Thế giới (WB) hạ từ 6,7% xuống 6,3%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ xuống còn 6,5%.
Theo các chuyên gia, trong năm 2023 này tăng trưởng kinh tế Việt Nam chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nước phát triển, giá cả hàng hóa leo thang và biến động địa chính trị, nhất là xung đột Nga – Ukraine
Thực tế mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5% mà Quốc hội đặt ra được đánh giá là kịch bản tươi sáng nhất nhưng cũng đồng thời là mục tiêu đầy thách thức, nhất là sau khi GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32%.
Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng ngày 9/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã bày tỏ sự lo ngại với kịch bản này bởi để đạt được mục tiêu GDP năm nay tăng 6,5% đòi hỏi các quý sau phải tăng trưởng rất cao; cụ thể quý II phải tăng 6,7%, quý III tăng 7,5%, quý IV tăng 7,9%.
Bên cạnh hạ dự báo tăng trưởng GDP, Standard Chartered còn đưa ra dự báo cuối quý II/2023 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản, xuống 5% và sẽ duy trì lãi suất này đến hết năm 2025. Dĩ nhiên ngân hàng này cũng không loại trừ tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt vào cuối năm đặt trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước chú trọng vào mục tiêu ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.
Ông Tim Leelahaphan cho biết từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế; thể hiện qua việc nới các điều khoản cho vay, cắt giảm lãi suất cũng như triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn (khoanh, giãn, hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) để doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản…)
Đối với thị trường bất động sản, vị chuyên gia của Standard Chartered cho rằng để sớm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng thị trường này cần triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản khác bởi các biện pháp đang áp dụng mới chỉ giúp doanh nghiệp bất động sản giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn mà thôi.
Huỳnh Quốc