Các đại biểu hiến kế tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019
Từ các tổ chức như Hiệp hội dệt may, VCCI đến doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt như Vingroup, Vietjet Air cùng nhiều Chuyên gia, Chính khách đã lần lượt Hiến kế để đưa ra nhiều kiến nghị tâm huyết lên Chính phủ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm nay.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc mở đầu với kiến nghị 11 vấn đề lớn để phát triển kinh tế tư nhân.
Là người bắt đầu phần Hiến kế của các khu vực kinh tế tư nhân, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, thời điểm tổ chức hội nghị này mang ý nghĩa quan trọng vì vừa qua ngày 30/4, 1/5. Vì vậy, tinh thần dân tộc cũng sẽ trở thành tinh thần của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới.
Để thúc đẩy kinh tế tư nhân, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị một số vấn đề lớn:
– Tiếp tục khẳng định vai trò động lực và rường cột của khu vực kinh tế tư nhân dù trong một số lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước có thể đóng vai trò dẫn dắt.
– Xác định trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế trong những năm tới phải nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các doanh nghiệp dân tộc.
– Tiếp tục có những nỗ lực đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi.
– Triển khai đồng bộ các chính sách giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế tư nhân, các tập đoàn kinh tế hỗn hợp.
– Sửa đổi luật doanh nghiệp với hai nội dung căn bản: Đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ đồng thời xác lập khung khổ pháp lý cho khu vực hộ kinh doanh cá thể có đăng ký.
– Ngoài việc quan tâm đến phát triển số lượng doanh nghiệp, cần chú trọng đến nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp khu vực tư nhân.
– Thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Xã hội 5.0 và CN 4.0.
– Thúc đẩy quan hệ đối tác công – tư không chỉ trong phát triển hạ tầng KT-XH mà còn yểm trợ phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng do các doanh nghiệp đầu tàu khu vực tư nhân dẫn dắt.
– Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời khỏi các chính sách tái cấu trúc khu vực DN nhà nước và thu hút chọn lọc các DN FDI, để vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển kinh tế tư nhân.
– Xây dựng lộ trình thực hiện việc xã hội hóa dịch vụ công, chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp và thị trường.
– Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các liên minh liên chính và áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn xây dựng và thực hiện các báo cáo phát triển bền vững.
Hai kiến nghị từ hàng không tư nhân
Dẫn lời từ chuyên gia Ngân hàng Thế giới từng phát biểu, Bà Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air gửi 2 kiến nghị.
Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên, với giấy phép mở đường cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không, Vietjet cất cánh mang đến những thay đổi với ngành hàng không Việt Nam. Nhờ đó, hàng triệu người lần đầu tiên tiếp xúc với phương tiện di chuyển văn minh, được đi trên những máy bay mới, hiện đại, bà Hà nhấn mạnh.
Thống kê quốc tế mà bà dẫn lại cho thấy, cứ 1% tăng trưởng của hàng không tương ứng với 0,4 – 0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 -15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8-7% mỗi năm. Năm 2018, Vietjet đóng góp vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách trong số 49,3 triệu của toàn ngành; thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 66 đường bay quốc tế tới Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia… Tổng doanh thu đạt 52.135 tỷ đồng.
“Chúng tôi tự hào là nhân tố thúc đẩy những đổi mới tích cực của ngành hàng không Việt Nam từ luật pháp chính sách, tới phương thức quản lý và kế hoạch liên tục mở rộng, nâng cấp xây mới các sân bay, phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ hàng không. Doanh nghiệp có ước vọng xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ hàng không của khu vực trong công tác dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng, đào tạo nhân lực chất lượng cao”, đại diện Vietjet Air nhấn mạnh.
Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân thì bà đưa ra một số kiến nghị:
Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, hãng tính phải 60-70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án có ý nghĩa lịch sử, một địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Do đó hãng nhận thấy cần đầu tư thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, một vùng kinh tế phát triển văn minh.
Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân mong được sự đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong.
VinFast đề xuất 5 kiến nghị nhằm phát triển kinh tế tư nhân
Tiếp tục phần hiến kế, ông Võ Quang Huệ – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast đề xuất kiến nghị từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp.
Theo ông, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và đóng góp tới 40% tổng GDP. Các doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm nếu sẵn sàng đổi mới sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thực sản xuất hiện đại.
Vingroup cũng đang thay đổi toàn diện với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ – công nghiệp – thương mại và dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Bước đi đầu tiên là xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng ứng dụng công nghệ 4.0. Với kỷ lục 21 tháng từ lúc khởi công và đi vào hoạt động, VinFast được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu Việt ra thế giới.
Bên cạnh đó, VinFast cũng đầu tư mạnh mẽ cho quá trình R&D để có thể rút ngắn thời gian và nhanh chóng đi ngang với các quốc gia phát triển trong một số lĩnh vực như xe điện, điện tử, công nghệ thông minh…
“Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cũng được chú trọng bằng việc thành lập trung tâm đào tạo VinFast, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc”, ông Huệ nói.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Tập đoàn Vingroup đề xuất ý kiến nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển.
Thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ ba, Chính phủ cũng cần tiếp tục tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt Kiều.
Thứ tư, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ôtô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Thứ năm, cần tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
THACO kiến nghị không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước
Ông Phạm Văn Tài – Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO) chia sẻ, THACO từng là doanh nghiệp tư nhân nhỏ chuyên buôn bán và sửa chữa ôtô được thành lập vào năm 1997 tại Đồng Nai. Qua 22 năm phát triển và hơn 15 năm đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai tỉnh Quảng Nam, đến nay doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp đầy đủ các chủng loại ôtô, đầu tư rất lớn cho sản xuất và công nghiệp hỗ trợ, qua đó đang phát triển mạnh ngành cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN, xe du lịch sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt và không cân xứng với các nước Thái Lan, Indonesia có thị trường ôtô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần (1,5 triệu xe mỗi năm còn Việt Nam mới đạt 300.000) và có lịch sử phát triển từ rất lâu (trên 50 năm).
Hiện nay, số lượng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN về rất nhiều. Thống kê 3 tháng đầu năm 2019 đạt 39.000 xe các loại, bằng một phần hai cả năm 2018 là 78.200 xe. Do vậy, THACO kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành.
Đồng thời doanh nghiệp cho tiến hành hậu thanh kiểm tra điều kiện để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% là tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu đạt 40% đối với các xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN nhằm tránh gian lận thương mại và thất thu thuế. Vì để đạt được tỷ lệ nội địa hóa 40% là rất khó, nhất là đối với những mẫu xe du lịch cao cấp.
Ngoài ra, hiện đầu tư vào nông nghiệp, THACO cũng nhận xét tiếp cận tín dụng rất khó khăn do nông nghiệp quy mô lớn bị xem là nhiều rủi ro. Ông Phạm Văn Tài mong muốn Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng chung cho nông nghiệp và hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu nông sản nói riêng.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào: cần mở rộng chuỗi giá trị tạo ra lợi nhuận
“Chúng ta đang sống trong một bối cảnh mà nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn và thách thức. Tuy nhiên, những thách thức này cũng chính là cơ hội cho khu vực tư nhân tại Việt Nam”, ông Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào mở đầu bài phát biểu.
Theo ông, thách thức đặc biệt là khả năng cạnh tranh chuỗi cung ứng – một cơ hội cho nhiều ngành kinh tế bao gồm sản xuất, nông nghiệp và công nghệ. Trong 20 năm làm việc với nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Kyle đã làm việc tại hơn 50 quốc gia và hầu hết các quốc gia này vẫn đang khao khát đạt được mức vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất và lắp ráp linh kiện trung cấp. Điều này là hoàn toàn tốt, nhưng để đạt được giá trị trị thực sự và đầy đủ thì Việt Nam cần đầu tư vào các hoạt động tiền sản xuất như đầu tư vào khâu thiết kế, và thậm chí là cần đầu tư vào các hoạt động R&D cũng như các hoạt động sau sản xuất bao gồm cả dịch vụ và tiếp thị kỹ thuật số.
Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết việc mở rộng chuỗi giá trị tạo ra lợi nhuận gồm:
– Tiền lương cao hơn (thông qua đầu ra giá trị cao hơn trên mỗi công nhân);
– Gia tăng phát triển kỹ năng địa phương, chuyển giao công nghệ và R&D
– Sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, năng lượng, đất, nước và vật liệu
– Cơ hội tốt hơn cho các doanh nhân địa phương (bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ).
– Việt Nam cần cải thiện khả năng cạnh tranh của tất cả các khu vực, cả FDI cũng như liên kết chuỗi cung ứng.
Chính phủ tiến hành trong việc xây dựng một chiến lược FDI cập nhật bao gồm tăng cường chuỗi cung ứng. Nhưng cụ thể hơn, một chiến lược có thể bao gồm: chủ động hướng tới mục tiêu khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; chiến lược toàn diện để thu hút và phát triển doanh nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh lâu dài; ưu đãi dựa trên hiệu suất và thậm chí nhắm mục tiêu cho doanh nghiệp; quản trị nền hành chính công, tạo chuyển đổi trong Chính phủ.
Minh Vương