Các chuyên gia nói gì về nỗ lực thành lập một liên minh quốc tế “không Trung Quốc” của Tổng thống Trump
Nằm trong nỗ lực chung thành lập một liên minh quốc tế không Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Mỹ vào tháng 9 tới, cùng với Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng Alyssa Farah, Tổng thống Donald Trump muốn Hội nghị G7 tập trung thảo luận vấn đề Trung Quốc sau khi căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về các vấn đề: ứng phó đại dịch Covid-19; Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc tại Hồng Kông.
Là các đồng minh lâu đời của Mỹ, Hàn Quốc và Australia ủng hộ kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19 cũng như bày tỏ sự quan ngại về Luật an ninh Hồng Kông. Ấn Độ cũng đang có một loạt các bất đồng với Trung Quốc, bao gồm vấn đề tranh chấp biên giới ở Ladakh. Về phía Nga đang cân nhắc việc tham gia một tổ chức do Mỹ lãnh đạo. Tổng thống Trump cũng đã nhiều lần đề nghị khôi phục tư cách thành viên cho Moscow do tầm quan trọng chiến lược của quốc gia này trên thế giới.
Theo ông Ni Feng – Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), nỗ lực của ông Trump nhằm huy động sự hỗ trợ từ các quốc gia đồng minh để cô lập Trung Quốc. Đây mới chỉ là điểm khởi đầu và sẽ còn nhiều biện pháp hạn chế trong tương lai.
Đồng quan điểm, thành viên cao cấp tại Viện Hudson ở Washington – ông John Lee cho biết mục tiêu của Mỹ là thúc đẩy một chương trình nghị sự nhằm luận tội Trung Quốc trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Có thể thấy việc Trung Quốc ngày càng bành trướng sức ảnh hưởng trong các thể chế và nền tảng đa phương đang dấy lên nhiều lo ngại cho chính quyền Washington. Và nỗ lực mở rộng G7 thành G11 (với các thành viên Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga) có thể xem là nỗ lực mới nhất của Washington để thành lập một liên minh quốc tế không Trung Quốc.
Ông Wang Wen – Trưởng khoa điều hành tại Viện nghiên cứu tài chính Chongyang tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết Mỹ sẽ không thể thành lập một chiến tuyến chiến tranh lạnh toàn cầu chống lại Trung Quốc. “Một điều hoàn toàn chắc chắn rằng sức mạnh mềm và khả năng lãnh đạo của Mỹ đang bị suy giảm rất nhiều. Tầm ảnh hưởng của siêu cường số 1 thế giới trong các vấn đề toàn cầu sẽ ngày càng suy yếu. Các quốc gia khác không muốn chọn phe trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Chỉ có lãnh đạo Mỹ tưởng tượng rằng Washington có thể xây dựng một liên minh chống Trung Quốc mà thôi” – ông Wang Wen nhấn mạnh.
Cũng như ông Wang Wen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán Wu Xinbo cũng bày tỏ sự hoài nghi rằng Mỹ có thể xây dựng thành công một liên minh chống Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc chia rẽ quan hệ giữa Nga và Trung Quốc chỉ là mộng tưởng của Mỹ mà thôi. Hơn nữa việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh địa chính trị, kinh tế và công nghệ, cùng với chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn đang thúc đẩy mối quan tâm của các nước tìm kiếm điểm tương đồng trong nhận thức về Trung Quốc.
Còn theo ông Shahar Hameiri – Phó giáo sư tại Trường Khoa học Chính trị và nghiên cứu quốc tế của Đại học Queensland, có bằng chứng cho thấy đề xuất của Trump về việc mở rộng G7 liên quan đến cuộc chiến khốc liệt Mỹ – Trung ở thời điểm hiện tại. “Bắc Kinh có thể phải hứng chịu một đòn đánh mạnh nếu bị loại ra khỏi bất kỳ sáng kiến mới nào do Mỹ khởi xướng nhưng chúng ta cũng phải lưu ý rằng tất cả các thành viên G7 đều có sự phụ thuộc nhất định về lợi ích kinh tế và thương mại với Trung Quốc, chính vì vậy sẽ khó đạt được sự đồng thuận trong việc cô lập và kiềm chế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này” – ông Shahar Hameiri nhấn mạnh.
Bảo Nguyên