Các chuyên gia đồng loạt hiến kế giảm chi phí logistics cho nông sản Việt
Hiện chi phí logistics cho nông sản Việt Nam quá cao; cụ thể chi phí logistics sản phẩm hải sản chiếm 12,1% giá thành sản xuất, của hàng gạo chiếm tới 29,8% và của hàng rau quả là 29,5%. Chi phí logistics cao là nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế…Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị bàn giải pháp giảm chi phí logistics trong vận chuyển nông sản do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tổ chức.
Theo lý giải của ông Nguyễn Duy Minh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), sở dĩ chi phí logistics tăng cao là do chi phí vận chuyển cao, các phụ phí và phí địa phương cao, hạn chế về cảng và cơ sở hạ tầng, các tỉnh thành đưa ra các phí hạ tầng mới, chi phí về kiểm tra chuyên ngành….. Hiện nay chi phí logistics của một số chuỗi cung ứng trong nước còn ở mức cao không chỉ đẩy giá thành sản xuất lên cao mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt so với các quốc gia khác. Sở dĩ.
Đồng quan điểm, ông Trần Đức Nghĩa – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng nếu làm một phép so sánh xoay quanh việc vận chuyển nông sản từ Thái Lan qua Việt Nam sang Trung Quốc sẽ thấy rõ chi phí logistics ở Việt Nam quá cao. Cụ thể chi phí vận chuyển 1 container hoa quả tươi từ miền Đông Bắc Thái Lan sang đến Bằng Tường (Trung Quốc) qua Việt Nam mất khoảng 70 triệu đồng, tỷ lệ hao hụt thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Lý do là vì hoạt động logistics tại Thái Lan được tổ chức bài bản hơn so với Việt Nam; tất cả hàng hóa của quốc gia này đều được xuất khẩu chính ngạch.
Một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam đang quá lạm dụng phương thức kinh doanh tiểu ngạch, mặc dù hiện nay có rất nhiều nông sản của nước ta đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động logistics. Đó là chưa kể hạ tầng cửa khẩu cũng góp phần kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics. Đơn cử như tại Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), vào những ngày cao điểm có đến hàng nghìn xe chở hoa quả tươi chờ thông qua, dẫn đến tình trạng quá tải. Thế mới có chuyện xe chở nông sản chạy từ Thakhet (Lào) lên đến cửa khẩu Hữu Nghị hết 24 giờ nhưng để sang được Bằng Tường giao hàng mất 5 ngày.
Ngoài ra việc nông sản mang tính mùa vụ cao đã dẫn tới mất cân bằng vận tải hai chiều giữa Bắc và Nam. “Yêu cầu hiện nay là phải kéo dài được mùa vụ của một số loại nông sản chính để giảm tính mùa vụ xuống, từ đó giảm áp lực lên hạ tầng logistics. Về phía các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường làm việc với phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho chính sách kiểm dịch hàng hóa khi thông quan cũng như hoạt động xuất khẩu nông sản” – ông Nghĩa kiến nghị.
Đỗ Xuân Quang – Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cũng thừa nhận thực tế rằng chi phí logistics trong sản xuất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam quá cao so với các nước khác. Hiện hàng hóa nông sản vận chuyển qua đường hàng không chiếm 25% tổng sản lượng xuất khẩu, chủ yếu vận chuyển hàng có giá trị cao, mau hư hỏng (trái cây, rau quả…). Sở dĩ phí vận chuyển hàng không cao là do chưa có đường bay thẳng chuyên chở hàng hóa đi Mỹ, châu Âu. Hơn nữa các hãng hàng không trong nước hầu như chỉ tận dụng buồng máy bay chở khách để chở hàng hóa chứ chưa có máy bay chuyên dụng nên khâu bảo quản vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó là các rào cản về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nên nhiều khi máy bay chở hàng phải trống một chiều.
Từ thực tế đó, để tiết giảm chi phí logistics, ông Quang đề xuất cần xây dựng đội máy bay chuyên chở hàng hóa. Hiện Vietjet đang có phương án xây dựng đội ngũ máy bay bay thẳng chuyên chở hàng hóa và dự kiến ngày 2/9 tới đây sẽ mở đường bay thẳng chuyên chở nông sản từ Việt Nam sang Mỹ.
“Nếu thuận lợi chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác đường bay sang EU. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19, dịch vụ vận tải hành khách ở các đường bay quốc tế hạn chế” – ông Quang cho hay.
Đánh giá cao việc Vietjet mở đường bay thẳng chuyên chở nông sản từ Việt Nam sang Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cũng đồng thời khẳng định đây chính là xu hướng phát triển bền vững trong tương lai. Mặc dù thời gian qua đã có một số doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua việc kết nối công nghệ với phương tiện song quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được cho thị trường nông sản Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ông Hải cho rằng việc kết hợp chặt chẽ giữa hiệp hội, doanh nghiệp và nhà nước là vô cùng cần thiết gắn với kết nối đa phương tiện, cả đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam Trương Gia Bình, nền kinh tế Việt Nam thông thường mạnh ai người ấy làm, chưa thực sự phát triển. Để giải quyết những vấn đề trên, Chính phủ cần xóa xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch càng nhanh càng tốt; đồng thời có quy hoạch logistics theo từng vùng, từng loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp trong việc xây dựng các trung tâm vận chuyển logistics hiện đại.
Mai Quỳnh