Các chuyên gia cảnh báo “hiệu ứng domino” từ cú sụp của Evergrande

Việc Evergrande – tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản cùng với tâm lý lo sợ về tương lai “màu xám” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến thị trường chứng khoán tại nhiều nước trên toàn cầu “đỏ lửa”…

Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông, cổ phiếu các tập đoàn bất động sản lớn đồng loạt bị bán mạnh, tâm lý bi quan đồng thời bao trùm cả thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm tới 3,3%, đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2020; trong khi Stoxx Europe 600 của thị trường châu Âu giảm 1,7%.

Còn trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm tới 1,7% trong phiên giao dịch hôm 20/9 và đây cũng là ngày giảm điểm sâu nhất của chỉ số này kể từ tháng 5/2021. Chỉ số Nasdaq Composite – rổ chỉ số tập trung vào nhóm công nghệ cũng giảm 2,2% trong phiên sau khi mất hơn 3% đầu giờ; trong đó ba cổ phiếu giảm điểm sâu nhất đều là những cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm Pinduoduo, Baidu và JD.com. Riêng chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Trong phiên giao dịch, đã có lúc chỉ số Dow Jones hạ đến 972 điểm và rồi sau đó mức hạ giảm dần nhờ sự phục hồi của một số mã bluechip.

Tập đoàn Evergrande, với khối nợ ước chứng khoảng hơn 300 tỷ USD, đang đương đầu với thách thức buộc phải trả nợ trong tuần này cho các ngân hàng và một số trái chủ. Những lo ngại ngày càng tăng về rủi ro vỡ nợ của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã kích hoạt làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro (cổ phiếu, dầu mỏ, Bitcoin) của các nhà đầu tư để chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn.

Điều khiến những người tham gia thị trường lo lắng chính là việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực kiềm chế các ngành công nghiệp và để mặc Evergrande sụp đổ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Trung Quốc mà còn dẫn đến những hệ lụy xấu cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo các nhà phân tích của Societe Generale SA, kể cả khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính thì sự sụp đổ của Evergrande vẫn có thể gây ra thiệt hại kéo dài.

Còn theo người đứng đầu về chiến lược đầu tư vào các thị trường mới nổi tại London – ông Phoenix Kalen, việc Evergrande phá sản có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, từ đó kéo theo khủng hoảng lạm phát toàn cầu và những tác động tiêu cực lên giá cả hàng hóa.

Đồng quan điểm, tỷ phú George Soros cũng đặt Evergrande vào tình trạng báo động đỏ, thậm chí ông còn cảnh báo rằng vụ vỡ nợ của Evergrande có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ. “Thất bại của Evergrande hoàn toàn không phải là tin tốt cho hệ thống tài chính nói riêng – nền kinh tế toàn cầu nói chung”, Chen Zhiwu – Giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong nhận định.

Những lo ngại về Evergrande cũng xuất hiện đồng thời khi các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn về triển vọng của thị trường cổ phiếu, sau một loạt phiên tăng liên tiếp gần đây. Một số nhà đầu tư cho rằng đã đến lúc Phố Wall phải có sự điều chỉnh khi các chỉ số chủ chốt tăng liên tục trong thời gian gần đây, xô đổ các kỷ lục được thiết lập từ đầu năm.

Trong khi đó, giới phân tích chỉ ra các dấu hiệu cho thấy biến thể Delta lây lan trên diện rộng đã kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Mặc dù nguy cơ sụp đổ của Evergrande có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bán tháo trong phiên hôm qua song những lo lắng về nền kinh tế toàn cầu và sự tăng giá của thị trường chứng khoán trong năm nay cũng là một phần nguyên nhân.

Trong các báo cáo cập nhật đầu tháng này, các nhà phân tích tại Citigroup, Deutsche Bank và Bank of America đều cảnh báo về rủi ro trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hôm qua các chiến lược gia của Morgan Stanley còn cảnh báo về khả năng sụt giảm hơn 20% trong S&P 500 đang ngày càng tăng.

Dù vậy một số nhà phân tích cho biết họ không mong đợi những rủi ro từ Evergrande sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu và đợt bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Theo ông Frank Benzimra – Người đứng đầu chiến lược đầu tư khu vực châu Á tại Société Générale, khủng hoảng Evergrande sẽ không có khả năng dẫn đến “khoảnh khắc Lehman” – cú sốc tài chính sau sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008.

Trong một báo cáo nhanh hôm qua, các nhà phân tích của JPMorgan đã chỉ ra rằng tình trạng bán tháo trên thị trường trở nên trầm trọng hơn một phần do các yếu tố kỹ thuật (bảo hiểm rủi ro quyền chọn) cũng như thanh khoản kém. Họ gọi phiên báo tháo cổ phiếu hôm 20/9 chỉ là một phản ứng thái quá và một số nhà đầu tư đã tham gia “bắt đáy” vào cuối phiên giao dịch; điều này đồng nghĩa với việc bán tháo cũng chính là cơ hội để các nhà đầu tư mua vào

Duyên Anh