BRICS sẽ đóng góp hơn 50% GDP toàn cầu vào năm 2030

Với tốc độ tăng trưởng như vũ bão hiện nay của 5 quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới – BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) thì con số dự đoán trên là hoàn toàn khả thi.

Từ sự tăng trưởng kinh tế thần tốc…

Còn nhớ trong một bài báo xuất bản tháng 11/2001, chuyên gia kinh tế Jim O’Neill của Ngân hàng Goldman Sachs Asset Management đã nêu bật tiềm năng kinh tế to lớn của 5 quốc gia BRIC và khẳng định tốc độ tăng trưởng GDP của nhóm này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong những thập kỷ tiếp theo; trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế thần tốc. Và đến thời điểm hiện tại, dự báo của ông đã trở thành hiện thực.

Báo cáo được công bố trên Countercurrfvents.org trích dẫn dữ liệu từ Acorn Macro Consulting cho thấy trong khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới – G7 (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đức, Nhật Bản) đóng góp 30,7% GDP toàn cầu thì nhóm BRICS vượt trội hơn hẳn khi đóng góp lên đến gần 31,5% GDP toàn cầu và dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên hơn 50%.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế như vũ bão, nhóm các nước BRICS còn chiếm 30% diện tích đất trên thế giới, chiếm 41% dân số và 16% thương mại toàn cầu.

Sự vươn lên của BRICS diễn ra trong bối phương Tây đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế dưới tác động tiêu cực của lạm phát kéo dài cùng việc tăng lãi suất không ngừng của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Trong đó Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 này với mức tăng trưởng GDP lần lượt là 7% và 5%.

…Đến tham vọng soán ngôi vương

Sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế của BRICS là điều không thể chối cãi song để tổ chức này phát triển thành một nhóm thống nhất là rất khó bởi mỗi quốc gia đều có một chế độ và cấu trúc kinh tế đặc trưng riêng. Tuy nhiên BRICS không xem đây là rào cản bởi các nước thành viên luôn coi liên minh kinh tế giữa họ là cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, từng bước thay thế vị trí của các quốc gia phương Tây. Điều quan trọng là BRICS đang dần đạt được những mục tiêu mà họ đề ra.

Năm 2010 ghi dấu ấn quan trọng với BRICS khi Nam Phi – nền kinh tế lớn nhất của châu Phi chính thức gia nhập và tiếp thêm sức mạnh cho nhóm này. 5 năm sau, Ngân hàng Phát triển New Development Bank (NDB) chính thức đi vào hoạt động theo mô hình của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và đã phê duyệt các khoản vay trị giá hơn 30 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt BRICS đang thảo luận về việc tạo ra một loại tiền tệ mới của nhóm nhằm thúc đẩy thương mại “phi đô la hóa”. Theo các chuyên gia, sự ra đời của đồng tiền BRICS chắc chắn sẽ nâng BRICS từ một liên minh kinh tế thành một liên minh địa chính trị quan trọng của thế kỷ XXI. Điều quan trọng là đồng tiền này có khả năng soán ngôi vương  của đồng USD, hoặc ít nhất cũng làm lung lay vị thế đứng đầu của nó.

Hơn nữa BRICS đang là nền tảng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: biến đổi khí hậu, quản trị toàn cầu và phát triển… Với tầm ảnh hưởng sâu rộng, hàng chục quốc gia đang có ý định gia nhập “mái nhà chung” BRICS và những đề xuất sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm diễn ra vào tháng 8 tới ở Nam Phi.

Dĩ nhiên khuôn khổ thể chế của BRICS vẫn cần thời gian để hoàn thiện và phát triển, duy chỉ có sự bất bình – động lực vươn lên của BRICS và những người ủng hộ nhóm này vẫn sẽ không thay đổi. Chính sự bất bình trước những điều kiện nặng nề mà phương Tây áp đặt lên mình đã trở thành động lực thúc đẩy BRICS ngày càng đổi mới và tự hoàn thiện. Ngoài ra việc phương Tây chưa cải cách quản trị toàn cầu cũng tạo cơ hội cho BRICS hiện thực hóa tham vọng soán ngôi vương.

Mặc dù chặng đường BRICS hiện thực hóa tham vọng của họ vẫn còn xa song sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nhóm này là một điều mà các nước phương Tây sẽ phải dè chừng và buộc phải thay đổi nếu muốn duy trì trật tự toàn cầu hiện tại.

Hoàng Thịnh