Brexit không thỏa thuận có thể khiến Anh mất 25 tỷ USD trong năm tới
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đứng trước một lựa chọn đắt giá.
Nền kinh tế Anh đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Bây giờ, với các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu có nguy cơ sụp đổ, Johnson phải quyết định: Liệu ông có cố gắng tìm điểm chung với châu Âu, hay sẽ quay lưng ra đi?
Ông đang phải đối mặt với triển vọng một năm 2021 khó khăn khi đất nước phải đối mặt với cú sốc kép của COVID-19 và Brexit. Nhưng việc không đạt được thỏa thuận với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vương quốc Anh sẽ làm tăng thêm nỗi đau.
Ra đi tay trắng – điều mà Johnson đe dọa sẽ làm vào thứ Sáu – sẽ tạo ra sự gián đoạn thương mại khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay, khiến kinh tế Anh mất hơn 25 tỷ USD vào năm 2021 so với kịch bản có một thỏa thuận thương mại tự do hạn chế, theo một phân tích của CNN Business dựa trên các dự báo từ Citi và Viện Nghiên cứu Tài khóa. Điều đó sẽ khiến đất nước càng tụt hậu hơn nữa trong nỗ lực phục hồi sau cú sốc lịch sử do đại dịch gây ra.
Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết: “Sự kết hợp giữa COVID-19 và việc rời khỏi thị trường chung EU khiến triển vọng của Vương quốc Anh trở nên không chắc chắn một cách đặc biệt. Các hành động được thực hiện để giải quyết đại dịch và các quyết định được đưa ra đối với các mối quan hệ thương mại trong tương lai sẽ có tác động lâu dài đến quỹ đạo kinh tế của Vương quốc Anh trong nhiều năm tới”.
Ít tiến triển về thỏa thuận
Thời gian không còn nhiều để Anh và Liên minh châu Âu đi đến thỏa thuận, với việc Anh sẽ mất đi vị thế thương mại ưu đãi với khối này vào cuối tháng 12.
Các cuộc họp trong tuần này đã kết thúc mà không có bất kỳ đột phá lớn nào, và Johnson cho biết hôm thứ Sáu rằng đất nước nên chuẩn bị cho một mối quan hệ thương mại giống với Australia với EU. Australia không có một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU. Hầu hết thương mại được tiến hành theo các quy tắc cơ bản hơn của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Cho rằng Brussels đã “từ chối đàm phán nghiêm túc trong nhiều tháng qua”, Johnson nói, “bây giờ là lúc các doanh nghiệp của chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng, các nhà vận tải chuẩn bị sẵn sàng và khách du lịch cũng sẵn sàng” cho sự ra đi không có thỏa thuận.
Tuy nhiên, vẫn có thể có một số hy vọng về một thỏa thuận. Johnson đã không loại trừ các cuộc đàm phán tiếp theo và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đã viết dòng tweet hôm thứ Sáu rằng nhóm làm việc của bà sẽ đến London vào tuần tới để tăng cường đàm phán theo kế hoạch trước đó.
Theo Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, quyền đánh bắt cá và khuôn khổ giải quyết các tranh chấp trong tương lai vẫn là những điểm mấu chốt quan trọng đối với cả hai bên.
Ông Rahman cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng thỏa thuận này sẽ mang lại lợi nhuận cho ngành đánh cá, nhưng chúng tôi nghĩ rằng những thách thức về kỹ thuật và chính trị mà nó đặt ra sẽ khó vượt qua hơn nhiều người nghĩ”.
Các doanh nghiệp báo động
Tranh cãi về tương lai Brexit diễn ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với Vương quốc Anh.
Citi và IFS ước tính nền kinh tế Anh sẽ thu hẹp 9,4% trong năm nay. Đó sẽ là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1921, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Anh. Các lệnh hạn chế bổ sung có thể làm cho vấn đề tồi tệ hơn.
Một cuộc “ly hôn” đầy hỗn loạn với EU trong bối cảnh suy thoái do COVID-19 chỉ làm trì hoãn sự phục hồi.
Với một hiệp định thương mại hạn chế, nền kinh tế Anh sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 4,6% vào năm 2021 trước khi mất một số động lực trong giai đoạn 2022 đến 2024, theo dự báo của IFS và Citi. Trong khi đó, việc không đạt được thỏa thuận thương mại với châu Âu sẽ làm giảm đi một điểm phần trăm so với mức tăng trưởng đó. Sự khác biệt lên đến gần 20 tỷ bảng Anh, tương đương hơn 25 tỷ USD.
Hùng Trần