Boeing lún sâu khủng hoảng
Theo tờ Financial Post của Canada, cổ phiếu của Boeing đã giảm 3% trước phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán New York (NYSE) vào thứ ba (12-3), sau khi một loạt quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh, yêu cầu ngừng bay phiên bản 737 MAX 8 sau vụ tai nạn vào Chủ nhật của hãng hàng không Ethiopia.
Boeing 737 MAX 8 bị tai nạn của hãng hàng không Ethiopia.
Dồn dập lệnh cấm
Cơ quan Hàng không dân dụng Anh cho biết họ đã cấm các chuyến bay thương mại sử dụng phiên bản 737 MAX từ không phận Anh như một biện pháp phòng ngừa rủi ro. Ở châu Á, sau khi Trung Quốc ra lệnh dừng cất cánh và hạ cánh toàn bộ các chuyến bay với phiên bản 737 MAX ngay sau 1 ngày xảy ra vụ tai nạn.
Một loạt quốc gia cũng đã tiếp nối động thái này, trong đó có Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Các lệnh cấm từ Australia và Singapore đồng nghĩa với việc phiên bản mới nhất và bán chạy nhất của Boeing hiện đã bị chặn khỏi một số điểm đến du lịch đường dài quan trọng, như sân bay Changi của Singapore được biết đến là sân bay quốc tế bận rộn thứ hai ở châu Á và cũng là một trung tâm trung chuyển của các tuyến đường quốc tế.
Cơ quan quản lý hàng không Singapore đã tuyên bố sẽ thu thập thêm thông tin và xem xét rủi ro liên quan đến 737 MAX trong việc ra vào liên tục không phận của nước này. Việc đình chỉ của các quốc gia trên đã khiến 1/3 trong số 350 đội bay 737 MAX mạnh nhất toàn cầu phải ngưng hoạt động. Ông Marc Garneau, Bộ trưởng Giao thông Vận tải của Canada, cho biết đang theo chặt chẽ những kết luận của cơ quan chức năng về một so sánh biến động theo chiều dọc đã tìm thấy hồ sơ tai nạn của Ethiopia tương tự với vụ tai nạn Lion Air khiến 189 người thiệt mạng vào tháng 10/2018.
2 hãng hàng không của Mỹ Latinh (Copa Airlines và Brazil’s Gol Airlines) cũng tạm dừng hoạt động của máy bay mới đi vào hoạt động chỉ vài năm trước. Trước đó, hãng vận tải lớn nhất ở châu Phi đã nhận được 737 MAX đầu tiên vào cuối tháng 6-2018 như một phần của việc nâng cấp đội bay, bao gồm cả máy bay hai cánh 787 Dreamliner và mẫu 777 lớn hơn.
Ông Dennis Muilenburg, CEO của Tập đoàn Boeing, đã nói trong một thông điệp gửi đến các nhân viên: “Suy đoán về nguyên nhân của vụ tai nạn hoặc thảo luận về nó mà không có các điều tra kiện cần thiết là không phù hợp và có thể làm tổn hại đến tính toàn vẹn của cuộc điều tra”.
Nhưng những phân tích rủi ro của các hãng hàng không và cơ quan hàng không ở Nam Mỹ và châu Á trái ngược với sự đảm bảo của của các nhà quản lý tại Mỹ. Các hãng hàng không và nhiều khách hàng đã lo sợ và mất niềm tin vào chiếc máy bay phản lực đang được phổ biến rộng rãi trên các tuyến bay quốc nội và cả quốc tế, vì 2 vụ tai nạn chỉ cách nhau hơn 5 tháng. Trong cả 2 trường hợp, máy bay đã bị rơi sau vài phút cất cánh vì các phi công không duy trì được sự kiểm soát.
Hiện tại, tổng cộng có 387 máy bay Boeing 737 MAX đang hoạt động, 74 chiếc được khai thác bởi các hãng hàng không Mỹ và 59 hãng hàng không trên khắp thế giới đang vận hành phiên bản này. Hướng giải quyết tạm thời là đã có 48 quốc gia yêu tạm dừng các chuyến bay với mô hình 737 MAX trong không phận. Còn các hãng hàng không đã hoãn toàn bộ các đơn hàng và ngừng lịch bay của phiên bản này cho đến khi kết quả điều tra được chính thức công bố. Tuy nhiên, vẫn có một số hãng hàng không như American Airlines, Southwest Airlines, United Airlines, Flydubai và WestJet (Canada) vẫn giữ nguyên lịch trình với Boeing 737 MAX.
Biến cố lịch sử
Thảm kịch ở Ethiopia đang đe dọa sẽ trở thành thảm họa lịch sử của Boeing, khởi động bằng thông tin Lion Air đang xem xét chuyển đổi toàn bộ các đơn hàng sang Airbus SE – một trong những đối thủ sản xuất máy bay lớn nhất trên thế giới có trụ sở tại Toulouse, Pháp. Lion Air đồng thời hoãn toàn bộ nhận đơn hàng của phiên bản 737 MAX trong năm nay.
Biến cố này đã đè nặng lên cổ phiếu của Boeing, mặc dù sau khi kết thúc phiên giao dịch vào thứ tư (13-3) có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng chỉ 2 ngày đầu tuần cổ phiếu giảm hơn 10%, xóa sạch 25 tỷ USD giá trị thị trường của công ty. Theo dữ liệu của Refinitiv – nhà cung cấp dữ liệu và cơ sở hạ tầng thị trường tài chính toàn cầu – kể từ vụ tai nạn ở Ethiopia, ít nhất 7 trong số 24 nhà phân tích cổ phiếu đã xem xét lại xếp hạng của họ đối với công ty Boeing, với hai lần hạ cấp và một lần định giá thị trường của Boeing bị giảm. Ngân hàng DZ định giá bán cổ phiếu của Boeing là 333USD – mức thấp nhất trên Phố Wall.
Ngày 14-3, hãng sản xuất máy bay Boeing xác nhận tạm ngừng bàn giao máy bay 737 MAX cho khách hàng. Boeing thông báo đã ngừng bàn giao dòng 737 MAX bán chạy nhất của hãng này được sản xuất tại nhà máy gần TP Seattle (Mỹ) do Cục Hàng không dân dụng liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu tạm ngừng vận hành 737 MAX trong không phận Mỹ.
Người phát ngôn của Boeing Chaz Bickers cho biết, Boeing sẽ tiếp tục sản xuất máy bay 737 MAX trong khi đánh giá tình hình hiện nay tác động như thế nào đến hệ thống sản xuất của hãng. “Sẽ không có sự thay đổi nào trong tốc độ sản xuất hiện nay, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các quyết định sản xuất” – ông Bickers nhấn mạnh. Mỗi tháng Boeing đang sản xuất 52 máy bay thuộc tất cả các phiên bản của dòng 737 MAX. Trong tháng 1 vừa qua, Boeing đưa ra chỉ tiêu hãng này sẽ đạt doanh thu từ 109,5-111,5 tỷ USD trong năm 2019.
Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ) dự báo, quyết định hoãn bàn giao tất cả các máy bay 737 MAX có thể gây thiệt hại cho Boeing khoảng 5,1 tỷ USD, tương đương 5% doanh thu hàng năm.
Trước thảm kịch ở Ethiopia, Tập đoàn Boeing cũng gặp khủng hoảng với các dòng máy bay của mình trước đây, mặc dù không đến mức độ thảm họa và đã thoát ra nhanh chóng, hầu như không hề hấn gì. Cụ thể, các sự cố riêng biệt giữa tháng 1-2013 và tháng 1-2014, khi pin lithium-ion trong máy bay Dreamcraft Boeing 787 bị trục trặc khiến khói và lửa bùng phát và khí gas bị rò rỉ.
Trong lúc đó, đối thủ cạnh tranh chính của Boeing là Airbus đang có lợi thế trong phân khúc thị trường béo bở này với mẫu A320neo. Cụ thể, Airbus đã giới thiệu một biến thể nâng cấp của hệ A320 với động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn và phiên bản này đã trở thành một cú hích thương mại lớn khiến cho Boeing phải tân trang lại 737 thành 737 MAX để cạnh tranh với Airbus. Trong thời điểm này, các chuyên gia đang quan ngại liệu Boeing có giữ được vị thế của mình trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay sau biến cố này.
Hoàng Hiệp