Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore: Các chính phủ phải giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Chan Chun Sing cho biết các chính phủ có trách nhiệm giúp đỡ những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi toàn cầu hóa nếu không họ sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng phân tán xã hội.

Ông nói thêm: “Nếu không có chính phủ gắn kết, không có lòng tin trong nước, rất ít chính phủ có đủ can đảm hoặc không gian chính trị để tiếp tục ủng hộ tiến trình toàn cầu hóa”.

Phát biểu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh Caixin với tiêu đề “Xây dựng lại lòng tin toàn cầu”, ông Chan kêu gọi các quốc gia đối phó với những thách thức lâu dài như một cách để xây dựng lòng tin của công chúng và ủng hộ toàn cầu hóa. Ông nói: “Trước sự chuyên chế của chính trị dân túy chống lại kinh tế lành mạnh, chúng ta phải đặt nền tảng lòng tin cho dân chúng, các doanh nghiệp và giới lãnh đạo chính trị của chúng ta. Điều này sẽ cung cấp cho các chính phủ không gian chính trị cần đặt nền móng cho một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ và sự kết nối vì hạnh phúc lâu dài của đất nước, con người và thế giới của chúng ta”.

Ông Chan nói rằng đại dịch COVID-19 đã “thách thức và đôi khi làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các chính phủ” do mức độ lo lắng đã tăng lên do vấn đề việc làm và kinh tế.

Ở cấp độ toàn cầu, những lo lắng đã làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị trước COVID-19 và kết quả là “lòng tin vào các thể chế và nền tảng đa phương đã giảm đi”.

Ông Chan chỉ ra rằng nhiều quốc gia đã phản ứng với sự lo lắng bằng cách cố gắng di chuyển chuỗi cung ứng về nước hơn và tăng cường năng lực sản xuất trong nước để tránh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu hụt đột ngột các mặt hàng thiết yếu.

Ông lưu ý: “Khi làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa gia tăng, nhiều quốc gia đã phản ứng bằng cách quay lưng lại với nhau. Nhưng đó không thể là phương cách phù hợp. Mặc dù là một nền kinh tế nhỏ và mở, Singapore tin rằng khả năng phục hồi kinh tế lớn hơn đến từ sự đa dạng của chuỗi cung ứng và sự phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, chứ không phải từ sự tự cô lập,

Ông Chan cũng nói rằng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có cơ hội lịch sử để giành được lòng tin toàn cầu bằng cách nêu gương các tiêu chuẩn trong thương mại toàn cầu – “từ việc có thị trường mở, chia sẻ công nghệ trên nền tảng mở và hợp tác và kết nối với khu vực. Cách Trung Quốc tương tác với phần còn lại của thế giới sẽ tác động đến niềm tin toàn cầu đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thế giới đang lắng nghe và theo dõi sát sao khi Trung Quốc thực hiện chiến lược tuần hoàn kép”, đề cập đến việc Bắc Kinh rời bỏ trọng tâm vào phát triển dựa vào xuất khẩu, chuyển sang việc các nền kinh tế trong nước và quốc tế tăng cường phụ thuộc lẫn nhau.

Thanh Phúc