Bộ trưởng Ngoại giao Bờ Biển Ngà thăm chính thức Việt Nam
Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Bờ Biển Ngà, từ ngày 18-21/6/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Bờ Biển Ngà Marcel Amon Tanoh có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Marcel Amon Tanoh sẽ chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội đàm với Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và gặp gỡ, làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Cộng hòa Bờ biển Ngà nằm ở khu vực Tây Phi, có diện tích hơn 300.000 km2, dân số khoảng 24 triệu người, giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là kim cương, măng-gan và sắt. Kinh tế chủ yếu của Bờ Biển Ngà là sản xuất nông nghiệp (70% dân số sống bằng nghề nông), chính vì vậy nền kinh tế quốc gia này vẫn phụ thuộc lớn vào sự dao động của giá cả nguyên liệu thế giới và thời tiết. Bờ Biển Ngà còn được đánh giá là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới các sản phẩm ca cao, cà phê, dầu cọ và từ vài năm nay nước này còn có thêm nguồn thu xuất khẩu từ dầu lửa ngoài khơi. Nền công nghiệp Bờ Biển Ngà cũng khá phát triển, gồm các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, hoá chất, khai khoáng, sản phẩm gỗ, sửa chữa và đóng tàu, lắp ráp ô tô, vật liệu xây dựng… Theo đánh giá, kinh tế Bờ Biển Ngà những năm gần đây tăng trưởng khá, đạt tốc độ trung bình 8% trong giai đoạn 2013-2017.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 6/10/1975), Việt Nam và Bờ Biển Ngà thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương. Cụ thể Bờ Biển Ngà ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021, Việt Nam cũng ủng hộ Bờ Biển Ngà ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2018-2019). Hai bên cũng đã ký kết nhiều văn bản hợp tác như: Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (tháng 5/2014); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (18/4/2017). Hai nước hiện đang trao đổi về Hiệp định khung hợp tác, Hiệp định hợp tác Thương mại, Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư.
Quan hệ chính trị hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà là tiền đề căn bản để hai nước phát triển hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư. Với kim ngạch thương mại đạt 980 triệu USD trong năm 2018, Bờ Biển Ngà hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà chủ yếu gồm gạo (chiếm 93% tổng kim ngạch xuất khẩu), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng thủy sản, sản phẩm dệt may, chất dẻo nguyên liệu…Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Bờ Biển Ngà chủ yếu là hạt điều thô (chiếm 77% tổng giá trị nhập khẩu), bông các loại, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép phế liệu…Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam hiện có 1 dự án Công ty CP Long Sơn (hoạt động trong lĩnh vực chế biến, phân phối, xuất nhập khẩu hạt điều thô) đầu tư sang Bờ Biển Ngà với tổng vốn 895.000 USD,
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, phía Bờ Biển Nga mong muốn hợp tác chuyển giao công nghệ chế biến điều thô và đề nghị Việt Nam đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến điều tại Bờ Biển Ngà. Đồng thời, Hiệp hội Bông và Điều Bờ Biển Ngà đang xúc tiến thành lập một văn phòng đại diện đặt tại Tp.HCM.
Trân Nguyễn