Bộ trưởng Bộ Thông tin&Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam phải xem IoT là một ngành công nghiệp thực thụ…”

Chia sẻ quan điểm của mình về Internet of Things (IoT – Kết nối vạn vật), Bộ trưởng Bộ Thông tin&Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết IoT mang đến cơ hội bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam. Việc sớm đưa vào ứng dụng và tiến tới ứng dụng rộng rãi IoT sẽ góp phần giúp Việt Nam “vươn vai” trở thành cường quốc về an ninh mạng trên toàn cầu. Tuy nhiên điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách cũng như trong cách tiếp cận phát triển IoT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định Việt Nam có cơ hội đi đầu về IoT nếu đột phá về tư duy, chính sách và cách tiếp cận. Ảnh: Bộ TT&TT

Cụ thể ông Hùng cho biết IoT là công nghệ nền tảng và là nhân tố cốt lõi trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bởi IoT sẽ tạo ra lượng dữ liệu vô cùng tận. Nếu biết cách khai thác hiệu quả, các dữ liệu này sẽ mang đến những giá trị mới; chính điều này sẽ giúp con người chuyển đổi từ thế giới vật lý thành thế giới ảo và làm cho xã hội sáng tạo hơn. “Càng khai thác dữ liệu hiệu quả bao nhiêu thì đầu tư cho IoT càng rẻ bấy nhiêu. Đó cũng chính là lý do đi kèm với IoT như cặp bài trùng chính là các công nghệ AI và Big Data. Kết nối vạn vật làm cho thế giới thông minh hơn. Xã hội IoT là xã hội thông minh, hay như người Nhật nói là xã hội 5.0. Đối với một đất nước khan hiếm rất nhiều tài nguyên như Việt Nam thì IoT chính là cứu cánh mang đến cơ hội bứt phá cho nền kinh tế. IoT cũng chính là cách để giúp người Việt Nam có thể sáng tạo” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay cuộc cách mạng IoT đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Để bắt kịp xu hướng và thay đổi thứ hạng ICT trên thế giới, Việt Nam đã đề ra chiến lược đến năm 2020 về cơ bản mỗi hộ gia đình có một đường truyền cáp quang, mỗi người dân sở hữu một máy smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng. Nếu dành ưu tiên cho IoT trước thì Việt Nam sẽ trở thành một trong số ít nước đảm bảo tốt về hạ tầng kết nối này.

Người đứng đầu Bộ Thông tin&Truyền thông cho biết thuận lợi lớn nhất của Việt Nam so với các quốc gia khác trong phát triển IoT là sở hữu hệ thống hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Về phía Bộ Thông tin&Truyền thông cũng đã quy hoạch đủ số điện thoại, đủ số địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi nhân loại tiến lên thế giới của vạn vật kết nối thì ưu tiên hàng đầu vẫn là an ninh thông tin; do đó IoT phải đi liền với an toàn. Con người càng sống trong thế giới ảo nhiều bao nhiêu thì tầm quan trọng của an ninh, an toàn thông tin càng lớn bấy nhiêu. Đó là lý do Việt Nam phải coi IoT là một ngành công nghiệp thực thụ và dành ưu tiên đầu tư cho phát triển một nền công nghiệp về an ninh mạng.

Trong số cộng đồng người Việt sinh sống trên toàn cầu có rất nhiều người giỏi về an ninh mạng. Đây cũng là một thuận lợi lớn của Việt Nam để đảm bảo an ninh mạng cho các thiết bị IoT. Việc sớm đưa vào ứng dụng và tiến tới ứng dụng rộng rãi IoT sẽ góp phần giúp Việt Nam “vươn vai” trở thành cường quốc về an ninh mạng trên toàn cầu.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Khi một cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để bứt phá đi lên nhưng không phải bằng phương thức truyền thống mà bằng một tư duy mới. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách cũng như trong cách tiếp cận phát triển IoT”.

Minh Đường