Bộ tiêu chí dán mác “Made in Vietnam”: Doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước được lợi

Hiện nay Bản dự thảo lần một về bộ tiêu chí dán mác “Made in Vietnam” với hàng sản xuất trong nước đang được Bộ Công Thương đưa ra để lấy ý kiến.

Cụ thể theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, hiện nay tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ. Nghị định quy định nhiều vấn đề song tập trung vào 2 nội dung chính: trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ; các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực.

Tuy nhiên chính việc cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn nội dung ghi nhãn phù hợp liên quan tới xuất xứ trong khi chưa có tiêu chí xác định cụ thể thế nào là hàng Việt, hàng “Made in Vietnam”… đã dẫn đến hệ lụy là một số doanh nghiệp tự hô biến hàng Trung Quốc thành hàng có nhãn mác “Made in Vietnam” như trường hợp Khaisilk hay nghi vấn Asanzo mới đây.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết cơ quan này đã xây dựng dự thảo lần 1 về bộ tiêu chí quy định thế nào là “Made in Vietnam” để áp dụng cho hàng hoá lưu thông trong thị trường nội địa. Bộ tiêu chí này sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ sở xác định gắn mác “Made in Vietnam” lên sản phẩm; về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ sở xác định doanh nghiệp vi phạm quy định gắn mác hay không.

Theo đó, tinh thần chung của thông tư này là hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ như quy định tại Nghị định 31 cộng thêm một số điều kiện nữa thì được gắn mác “Made in Vietnam” bởi Nghị định 31 mới chỉ xác định xuất xứ hàng hóa để cấp các C/O theo các hiệp định thương mại nhưng chưa có ràng buộc quy định đó với việc gắn mác “Made in Vietnam”. “Bộ Công Thương sẽ làm hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, đánh giá tác động nhiều chiều và sẽ chỉ trình cấp trên khi biện pháp này nhận được sự đồng tình cao của xã hội” – ông Khánh khẳng định.

Thực tế từ hồi tháng 2/2019, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã đưa ra cảnh báo về tình trạng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo cơ quan này, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Trong khi đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam lại chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.

Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn. Trong khi đó tại các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước này đều quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể.

Kim Thảo