Bộ Tài chính lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam theo AHTN 2022
Danh mục Biểu thuế Hài hòa ASEAN (AHTN) là cơ sở cho việc hình thành nên Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, các Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi (MFN) và các Biểu thuế ưu đãi đặc biệt (FTA) của Việt Nam với các nước đối tác. Trong năm 2022 này, Việt Nam và các nước ASEAN đã tiến hành xây dựng Danh mục AHTN 2022 hướng tới mục tiêu hiện thực hóa Nghị định thư của các nước ASEAN và Công ước Quốc tế về hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS).
Danh mục Hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) được sửa đổi, bổ sung theo kỳ hạn 5 năm 1 lần nhằm cập nhật các mặt hàng có thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, thương mại cho phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp sau phiên bản HS 2017, phiên bản Danh mục HS 2022 đã được Tổ chức Hải quan thế giới xây dựng và phê chuẩn vào ngày 28/6/2019, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.
Danh mục AHTN cũng được định kỳ sửa đổi 5 năm 1 lần trên cơ sở những sửa đổi của Danh mục HS. Trên cơ sở phiên bản Danh mục HS 2022, Danh mục AHTN 2022 đã được các nước ASEAN rà soát, xây dựng chi tiết ở cấp độ 8 số để đáp ứng mục tiêu tạo thuận lợi thương mại trong khu vực. Trải qua 10 phiên đàm phán giữa các nước ASEAN, Danh mục AHTN phiên bản 2022 đã được hoàn thiện. Theo kế hoạch, Danh mục AHTN 2022 cần nội luật hóa dưới hình thức ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đã hoàn thành việc biên soạn Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam để thay thế các danh mục hiện hành (Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017, Thông tư số 09/2019/TT-BTC ngày 15/2/2019). Dự thảo gồm 21 phần, 97 chương, có tổng số 16.726 dòng hàng bao gồm các cấp độ 4 số, 6 số và 8 số, trong đó có 14.970 dòng hàng giữ nguyên mô tả tiếng Anh so với phiên bản AHTN 2017 và 1756 dòng hàng mô tả mới. Dự kiến Dự thảo này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam nên Bộ Tài chính đang gửi xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,
Theo các chuyên gia, việc xây dựng Thông tư ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo AHTN 2022 là rất cần thiết nhằm cập nhật kịp thời những đổi thay về công nghệ, thương mại và phân loại hàng hóa trên cơ sở sửa đổi, bổ sung danh mục AHTN 2017 hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như xu thế thị trường; đảm bảo hài hòa với hệ thống mô tả, chú giải và mã hàng quốc tế giai đoạn mới.
Ngoài ra việc xây dựng Thông tư ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo AHTN 2022 còn tạo cơ sở pháp lý để Bộ Tài chính xây dựng Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi (MFN) và các Biểu thuế ưu đãi đặc biệt (FTA) của Việt Nam với các nước đối tác giai đoạn 2022-2026 với tinh thần chung là phù hợp với cam kết quốc tế, qua đó tạo động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế; đồng thời tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa khu vực cũng như trên thế giới.
Bích Thùy