Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan hợp lực tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải
Tiếp nhận kiến nghị từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và các doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan đã cùng phối hợp để tháo gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu sản phẩm khẩu trang vải.
Tìm cơ hội trong gian khó
Bối cảnh dịch Covid -19 bùng phát mạnh mẽ ở khu vực châu Âu và Mỹ, nhiều khách hàng của Công ty TNHH Việt Thắng Jean tại Tây Ban Nha, Đức, Italia, Mỹ đã thông báo tạm ngừng nhận đơn hàng, thậm chí huỷ hợp đồng. Trước tình hình này, Việt Thắng Jean đã phải chuyển sang sản xuất khẩu trang vải (sản lượng 500 nghìn chiếc/ngày) để cầm cự, giữ chân công nhân và giảm bớt thiệt hại. Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết mặc dù nguồn thu từ hoạt động sản xuất khẩu trang không bù đắp được thiệt hại do hoãn, hủy đơn hàng xuất khẩu song cũng phần nào giúp doanh nghiệp trang trải được một phần chi phí vận hành, nhất là khoản trả lương cho công nhân.
Cũng như Việt Thắng Jean, nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang y tế, thậm chí có doanh nghiệp còn chủ động nhập khẩu máy móc – trang thiết bị về sản xuất khẩu trang.Trong bối cảnh khó khăn của ngành dệt may hiện nay, việc sản xuất và xuất khẩu khẩu trang vải đang là giải pháp giúp doanh nghiệp có thể chống đỡ với các khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Về lâu dài, đây cũng có thể là hướng xuất khẩu mới tiềm năng, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện đang có 20 doanh nghiệp dệt may đang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, tính đến cuối tháng 3/2020 lượng khẩu trang cung ứng ra thị trường đạt gần 60 triệu chiếc. Trong khi đó tính toán của Bộ Y tế cho thấy, đến cuối tháng 3, Việt Nam cần khoảng 30 triệu chiếc khẩu trang. Như vậy với năng lực sản xuất hiện nay, ngành dệt may hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất khẩu trang trong nước mà vẫn dôi ra một lượng đáng kể dành cho xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nhu cầu khẩu trang đang tăng cao trên toàn cầu. Nhằm khai thác cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất phương án được nhà nước hỗ trợ tìm đơn hàng xuất khẩu khẩu trang.
Còn theo VITAS, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2 về chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, số đơn hàng đặt mua khẩu trang vải từ đối tác nước ngoài đã tăng lên. Tuy nhiên hiện nay một số doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn trong xuất khẩu khẩu trang vải khi hải quan cửa khẩu chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu. Cụ thể trong quá trình kiểm tra thực tế theo Công văn số 1431/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan, hải quan địa phương không thể phân biệt được đâu là khẩu trang y tế, khẩu trang vải, nhất là khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn nên đã dừng thông quan lô hàng, lấy mẫu gửi về Bộ Y tế đề nghị giám định. Điều này đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi phải chờ đợi nhiều ngày
Cùng với đó Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ cũng quy định chỉ cho phép xuất khẩu số lượng không quá 25% tổng số lượng khẩu trang y tế sản xuất trong nước. “Quy định này cũng sẽ hạn chế năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khẩu trang. Ngoài khẩu trang, May 10 cũng đang được đối tác cũng yêu cầu sản xuất 2 triệu bộ đồ phòng, chống dịch nhưng do chưa có hướng dẫn xuất khẩu của Chính phủ, cũng chưa có phòng thí nghiệm nào kiểm tra tiêu chuẩn nên chúng tôi khó lòng đáp ứng được” – Đại diện Công ty May 10 cho hay.
Gỡ “nút thắt”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị từ VITAS và các doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan đã cùng phối hợp để gỡ nút thắt cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu sản phẩm khẩu trang vải.Cụ thể đối với phản ánh của doanh nghiệp về thủ tục kiểm tra và thông quan mặt hàng khẩu trang vải, Bộ Công Thương cho biết Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2 của Chính phủ chỉ áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Các mặt hàng khẩu trang không phải khẩu trang y tế thực hiện xuất khẩu theo quy định hiện hành, không cần giấy phép xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan có công văn thay thế hoặc sửa đổi công văn 1431/TCHQ-GSQL, đưa ra hướng dẫn rõ ràng về khẩu trang y tế, đặc biệt là dấu hiệu nhận biết về số đăng ký, số lưu hành để Hải quan địa phương thực hiện, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi các đơn vị hải quan sửa đổi một số điểm tại công văn 1431. Theo đó, Tổng cục Hải quan giao Cục quản lý rủi ro, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đánh giá rủi ro lựa chọn các lô hàng nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt là các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất. Trường hợp quan sát thấy không có dấu hiệu của khẩu trang y tế thì thực hiện thông quan; trường hợp có đủ dấu hiệu là khẩu trang y tế nhưng khai báo là khẩu trang khác, không phải khẩu trang y tế, thì lấy mẫu giám định tại Viện trang thiết bị và công trình y tế – Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện.
Đánh giá cao tinh thần gỡ khó cho doanh nghiệp của Bộ Công Thương và các Bộ, ban ngành liên qua, PGS.TS Phạm Thế Anh- Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế & Chính sách nhấn mạnh: “Xuất khẩu khẩu trang là hướng đi mới, giúp doanh nghiệp dệt may có thể đỡ được phần nào tình trạng thiếu việc do nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, EU bị hoãn, hủy bởi dịch Covid-19, từng bước duy trì sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Giải pháp này còn có tác dụng cộng hưởng khi giúp Chính phủ giảm gánh nặng ngân sách cho triển khai các gói hỗ trợ”.
Ân Thuyên