Biết “biến nguy thành cơ”, nhiều doanh nghiệp chiến thắng đại dịch
Dịch bệnh Covid – 19 đẩy nhiều doanh nghiệp vào bước đường cùng. Tuy nhiên cũng có không ít doanh nghiệp đã chủ động biến thách thức thành cơ hội, qua đó vừa đảm bảo doanh thu vừa duy trì công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Trong một dịp hiếm hoi trải lòng với truyền thông, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh chia sẻ: “Nhiều người hay hỏi tôi tại sao CEO của một tập đoàn lớn lại đi livestream trên facebook để bán hàng? Bản thân tôi lại thấy điều này hết sức bình thường, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Quan trọng hơn, việc tôi livestream bán hàng đã tiếp sức cho nhân viên Phúc Sinh trong giai đoạn khó khăn hiện nay; đồng thời lan tỏa một thông điệp hết sức tích cực rằng đến CEO còn đi bán hàng thì bản thân họ hoàn toàn có thể làm được”.
Cũng theo người đứng đầu Phúc Sinh, khi dịch bệnh bùng phát, nhiều đơn hàng của Phúc Sinh đứng trước nguy cơ bị hoãn, hủy. Ngay thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” ấy, Phúc Sinh đã tìm ra hướng đi chiến lược, chủ động chuyển hướng kinh doanh trên nền tảng số hóa để tiếp thị sản phẩm và bán hàng. Nhờ vậy mà Công ty vẫn đảm bảo được doanh thu nội địa cũng như kim ngạch xuất khẩu, bất chấp khó khăn của dịch bệnh. Đặc biệt thông qua các kênh bán hàng online, cửa hàng, siêu thị…, doanh thu nội địa của Phúc Sinh tăng trưởng tới 100%, đạt bình quân từ 2-4 tỷ đồng/tháng.
Còn với Tập đoàn Vina T&T, bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, Công ty chuyển hướng phát triển, tập trung mạnh vào thị trường nội địa và đó là lý do ra đời của cửa hàng kinh doanh trái cây thứ 2 tại Tp.HCM. Ngoài bán tại chỗ, Vina T&T còn bán sản phẩm trên các trang bán hàng online, các nền tảng thương mại điện tử nên doanh thu tăng trưởng rất tốt. Thừa thắng xông lên, Vina T&T dự định sẽ mở thêm một số cửa hàng nữa để nâng cao năng lực khai thác thị trường nội địa.
Một điển hình doanh nghiệp chiến thắng đại dịch Covid 19 khác chính là Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM). Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành dệt may lao đao, dừng một phần sản xuất hoặc luân phiên cho công nhân nghỉ việc thì TCM vẫn “ngược dòng” mùa dịch báo lãi. Theo Phó Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam khác, TCM cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên ” trong cái khó ló cái khôn”, TCM đã chủ động chuyển đổi sang sản xuất, xuất khẩu các đơn hàng vải kháng khuẩn, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế sang Mỹ; qua đó vừa bù đắp sự thiếu hụt của thị trường truyền thống lại vừa tạo việc làm và mang lại doanh thu, lợi nhuận cho công ty. Cụ thể 8 tháng đầu năm, dù doanh thu của TCM ghi nhận giảm nhẹ 4% với giá trị đạt khoảng 2.361 tỷ đồng song lợi nhuận vẫn tăng 3% so với cùng kỳ khi đạt 163 tỷ đồng. Với kết quả này, TCM đã thực hiện 63% kế hoạch doanh thu và 88% lợi nhuận cả năm.
Đến thời điểm hiện tại, trong khi nhiều doanh nghiệp ngoi ngóp trong đợt dịch thứ hai thì TCM vẫn đang trên đà mở rộng quy mô khi tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy may số 2 ở KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với năng lực sản xuất 12 triệu sản phẩm/năm. Theo tiến độ dự án được cấp trong giấy chứng nhận đầu tư đã điều chỉnh thì trong giai đoạn năm 2021 đến tháng 1/2022, TCM sẽ đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy may số 2; năm 2022 đến tháng 7/2023, sẽ đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy đan và nhà máy nhuộm. “Sở dĩ chúng tôi xây dựng nhà máy này là để góp phần hoàn chỉnh năng lực sản xuất, đảm bảo tiến độ vải đáp ứng thời gian đơn hàng may xuất khẩu cũng như mở rộng hơn nữa tại thị trường EU nhằm tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA” – Phó Chủ tịch HĐQT Trần Như Tùng chia sẻ.
Còn theo ông Trần Văn Long – Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành du lịch đóng băng, hàng loạt công ty phải đóng cửa tạm dừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, Du lịch Việt đã phải cố gắng xoay xở, tìm mọi cách vượt qua khủng hoảng, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Cụ thể Công ty đã hợp tác cùng Công ty CP Đầu tư Ecom Net thực hiện sản xuất, phân phối độc quyền các sản phẩm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, các sản phẩm y tế dùng một lần…; từng bước mở rộng nhà máy sản xuất khẩu trang y tế ở Tp.HCM, Long An và cả khu vực phía Bắc.
Theo các chuyên gia kinh tế, để vượt qua cơn bão dịch, bên cạnh sự linh hoạt, nhanh nhạy của các doanh nghiệp, không thể không kể đến hiệu quả từ các gói hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ tung ra hết sức kịp thời; trong đó phải kể đến chính sách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm tăng trưởng kinh tế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mới đây. Những giải pháp trên giúp doanh nghiệp lạc quan và có niềm tin vào chính sách, từ đó đưa ra định hướng kinh doanh mới và hưởng lợi trong bối cảnh khó khăn.
Ngọc Ẩn