Biến thể Delta gây tổn hại mạnh tới kinh tế Trung Quốc
Những bước đi mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm ngăn chặn COVID-19 trong mùa hè này đã gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng ở nước này và đang làm dấy lên lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Doanh số bán lẻ gặp khó khăn trong tháng 8, chỉ tăng 2,5% so với một năm trước đó, theo số liệu thống kê của chính phủ công bố hôm thứ Tư. Con số này thấp hơn nhiều so với dự kiến và là sự sụt giảm đáng kể so với mức tăng 8,5% được ghi nhận vào tháng 7. Các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm hơn là do các đợt bùng phát COVID-19 và lũ lụt, khiến người dân không thể đi du lịch và khiến họ ngừng “chi tiêu cho kỳ nghỉ hè”, theo Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia, người đã phát biểu hôm thứ Tư tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Sản xuất công nghiệp tăng 5,3% trong tháng 8 so với một năm trước đó, cũng chậm hơn so với tháng 7 và là mức tăng trưởng yếu nhất do các nhà máy của Trung Quốc tạo ra trong một năm. Trong khi đó, đầu tư vào khu vực thành thị tăng 8,9% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8, giảm từ 10,3% trong 7 tháng đầu năm. Dữ liệu được công bố hôm thứ Tư là dữ liệu rõ ràng nhất cho thấy những hành động mà chính phủ đã thực hiện để làm chậm sự bùng phát của biến thể Delta trong mùa hè này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào. Để ngăn chặn sự lây nhiễm mới, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược zero-COVID (Không COVID), đóng cửa các thành phố, hủy chuyến bay và đình chỉ một số hoạt động cảng.
Cách tiếp cận này đã có tác dụng đưa virus trở lại trong tầm kiểm soát, mặc dù phải trả giá bằng hoạt động kinh tế. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc cũng có những mối quan tâm khác phải đối mặt, bao gồm cả cuộc khủng hoảng đối với lĩnh vực bất động sản. Các dự án nhà ở mới, tính theo diện tích sàn, đã giảm 3,2% trong tám tháng đầu năm. Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao của Trung Quốc cho Capital Economics, đã viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Tư: “Những cơn gió ngược đối với lĩnh vực bất động sản dường như đang gia tăng”.
Ông nói thêm rằng những hạn chế của chính phủ đối với việc vay nợ giữa các nhà phát triển bất động sản đang gây căng thẳng cho lĩnh vực này. Gần đây, cuộc khủng hoảng tiền mặt của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể và công ty đã cảnh báo rằng họ có thể vỡ nợ với những khoản nợ khổng lồ khi phải vật lộn để cắt giảm chi phí hoặc tìm người mua một số tài sản của mình. Công ty Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường nước này khi trái phiếu và cổ phiếu của họ lao dốc. Các nhà đầu tư lo ngại rằng một vụ vỡ nợ có thể gây ra những tác động xấu đối với hệ thống ngân hàng của Trung Quốc và nền kinh tế rộng lớn hơn, cũng như gây ra bất ổn xã hội. Hiện các nhà đầu tư và nhân viên của công ty đã biểu tình phản đối tại trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến, cũng như ở các tỉnh Tứ Xuyên, Cát Lâm và Hà Nam.
Thanh Anh