Bệ phóng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2021

Mặc dù được đánh giá là ngành hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) trong năm 2021 song ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều rào cản phải vượt qua. Điều quan trọng là các doanh nghiệp trong ngành phải tạo được dấu ấn riêng cho sản phẩm của mình cả về mặt hình thức lẫn chất lượng mới có thể chinh phục thành công nhiều thị trường tiềm năng trên toàn cầu.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy năm 2020 vừa qua, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 8,4 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với năm 2019; trong đó sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3,8 triệu tấn, chiếm 46%; sản lượng nuôi trồng đạt gần 4,6 triệu tấn, chiếm 54%. Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong quý I và quý II/2020 giảm mạnh lần lượt 10% và 7% nhưng từ quý III/2020 bắt đầu hồi phục với mức tăng trưởng từ 10 – 13%. Kết thúc năm, xuất khẩu thuỷ sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2019; trong đó thuỷ sản nuôi gồm tôm và cá tra chiếm 62% đạt 5,2 tỷ USD, thuỷ sản khai thác chiếm 38% với 3,2 tỷ USD.

Trong năm qua, đại địch Covid-19 kéo dài đã làm gián đoạn hoạt động thương mại thủy sản trên toàn cầu cũng như làm suy giảm nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại các thị trường. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng đáng kể 10%; kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ lực khác như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chỉ giảm nhẹ từ 3% đến 6%.

Bước sang năm 2021, dự báo hoạt động xuất khẩu thủy sản vẫn sẽ chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra còn phải kể đến tình trạng thiếu container rỗng để xếp hàng xuất đi các nước và cước phí vận tải tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thủy sản nội địa.

Tuy nhiên vượt lên trên mọi trở lực, thuận lợi của Việt Nam so với các nước khác là vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu dồi dào. Thêm vào đó các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) … cũng sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản, tạo bệ phóng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường truyền thống cũng như thâm nhập thành công các thị trường mới giàu tiềm năng.

Với những yếu tố tích cực từ thị trường, VASEP dự báo năm 2021 xuất khẩu thủy sản sẽ đạt kết quả khả quan hơn so với năm ngoái với kim ngạch trên 9,4 tỉ USD, tăng 10%. “Trong năm nay ngành thủy sản vẫn hưởng lợi từ các FTA  song để có thể chinh phục được nhiều thị trường tiềm năng trên toàn cầu, các doanh nghiệp trong ngành phải tạo được dấu ấn riêng cho sản phẩm của mình cả về mặt hình thức lẫn chất lượng. Đơn cử như đối với sản phẩm chủ lực tôm xuất khẩu, khi khó giảm giá thành thì buộc phải tạo ra sự khác biệt về chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm tương đồng đến từ các quốc gia khác như Ấn Ðộ, Indonesia… Hay như cá tra, cần đa dạng các sản phẩm chế biến sâu, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng tại từng quốc gia, từng khu vực” – Tổng Thư ký VASEP Trương Ðình Hòe nhấn mạnh.

Thục Anh