Bất ổn chính trị là đòn giáng chống lại đồng đô la
Bất ổn chính trị thường đè nặng lên các đồng tiền trên thế giới, và bạo lực do Tổng thống Donald Trump kích động khó có thể củng cố niềm tin vào đồng đô la Mỹ vào thời điểm suy yếu.
Theo chiến lược gia Ned Rumpeltin của TD Securities, thị trường tiền tệ phần lớn vượt lên trên sự hỗn loạn của tuần trước. Ông nói: “Ở một số khía cạnh, sự kiên cường đó có phần đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết phải coi đó là điều hiển nhiên”.
Eurasia Group, công ty tư vấn rủi ro chính trị, gọi một nước Mỹ bị chia rẽ là rủi ro hàng đầu cho năm 2021. Ian Bremmer, chủ tịch của Eurasia Group, cho rằng động lực chính trị trong nước, cùng với sự quản lý yếu kém của đất nước đối với đại dịch, sẽ khiến Tổng thống đắc cử Joe Biden khó khẳng định lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ bất luận các nỗ lực của ông. Viết trên Twitter, ông nói: “Cho đến nay, Mỹ là quốc gia hỗn loạn chính trị và bị chia rẽ nhất trong tất cả các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến trên thế giới”.
Kể từ khi tăng đột biến trong thời kỳ thị trường bất ổn vào tháng 3 năm ngoái, đồng đô la đã giảm hơn 12% so với rổ các loại tiền tệ chính khác. Các nhà đầu tư ở Phố Wall đồng tình rằng đồng đô la vẫn có khả năng giảm.
Rumpeltin cho biết: “Các dấu hiệu đều cho thấy sự giảm giá của đồng đô la”.
Có ba lý do chính khiến đồng đô la tăng giá trở lại. Động lực chính là niềm tin vào sự phục hồi toàn cầu nhờ vào việc triển khai vắc xin Covid-19. Khi Mỹ và nền kinh tế toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, đồng đô la – một loại tiền tệ trú ẩn an toàn – có xu hướng suy yếu. Tuần trước, các ngân hàng hàng đầu đã nâng cấp dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2021 với giả định rằng sự kiểm soát của đảng Dân chủ đối với cả hai viện của Quốc hội sẽ dọn đường cho một gói kích thích khác.
Kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trong khi sự phục hồi nóng lên cũng là một phần đóng góp cho sự tăng giá của đồng đô la. Vì vậy, có niềm tin rằng nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ mở ra một thời kỳ có khả năng dễ dự đoán hơn, giảm nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là liệu hỗn loạn chính trị có làm xói mòn niềm tin lâu dài hơn vào đồng đô la Mỹ, đồng tiền dự trữ ưu việt của thế giới hay không. Hiện tại, rủi ro có vẻ hạn chế, một phần là do khối lượng giao dịch lớn bằng tài sản định giá bằng đô la.
Nhưng như Eurasia Group chỉ ra, sự thống trị toàn cầu của Mỹ phải đối mặt với những khó khăn thực sự. Một bằng chứng cho thấy là châu Âu vừa hoàn tất một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, nhằm tái cân bằng mối quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất chấp những lo ngại của Mỹ.
Minh Anh