Bất chấp những tổn hại đến nền kinh tế, chính quyền Bắc Kinh vẫn giữ lập trường cứng rắn với Evergrande
Sau thời kỳ huy hoàng, ở thời điểm hiện tại Evergrande đang ôm khoản nợ 300 tỷ USD, trở thành nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. Cảnh báo về sự sụp đổ lớn sắp xảy ra, các nhà quan sát cũng đang dõi theo xem liệu chính quyền Bắc Kinh có thực hiện đúng cam kết thanh lọc khu vực doanh nghiệp, bằng cách để “quả bom nợ” như Evergrande bị khai tử hay không?
Quyết liệt trong kiềm chế nợ không bền vững
Chính thức đi vào hoạt động năm 1996, Evergrande nhanh chóng trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự bùng nổ và tăng trưởng thần tốc của thị trường bất động sản Trung Quốc. Tuy nhiên đi qua thời kỳ rực rỡ nhất, ở thời điểm hiện tại Evergrande đang được coi là mối đe dọa kinh hoàng đối với các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.
Những năm gần đây, tập đoàn này phải đối mặt với áp lực lớn: các vụ kiện từ những người mua nhà đang chờ đợi được bàn giao căn hộ; các khoản nợ lên tới hàng tỷ USD từ phía các nhà cung cấp và chủ nợ cũng yêu cầu Evergrande thanh toán hàng tỷ USD. Theo các chuyên gia, đà lớn mạnh của Evergrande bị chựng lại bởi 2 nguyên nhân chính: thứ nhất, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang điều chỉnh hành động đi vay liều lĩnh của Evergrande, buộc nhà phát triển bất động sản này phải bán bớt một số mảng kinh doanh; thứ hai, thị trường bất động sản của Trung Quốc đang chững lại và nhu cầu đối với căn hộ mới cũng ít hơn.
Có thể thấy phần lớn nguồn tiền mặt của Evergrande đều xuất phát từ các căn hộ bán trước chưa hoàn thiện với gần 800 dự án đang thực hiện trên khắp đất nước Trung Quốc và 1,2 triệu người vẫn đang chờ đợi để được chuyển vào căn hộ mới. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, do tác động của đại dịch Covid – 19 nên số lượng căn hộ mới bán ra sụt giảm mạnh dù Evergrande đã có chính sách hạ giá bán. Trong tháng 8/2021, doanh số bán nhà của tập đoàn này thấp hơn 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái
Theo cam kết thanh lọc khu vực doanh nghiệp, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ quay lưng với Evergrande, tuy nhiên sự sụp đổ của tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu này sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nếu Evergrande vỡ nợ, hàng triệu người bao gồm các khách hàng, các nhà cung cấp và nhà đầu tư trong nước sẽ bị ảnh hưởng.
Theo nhà đầu tư tỷ phú George Soros, vụ vỡ nợ của Evergrande có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ. Đồng quan điểm, ông Chen Zhiwu – Giáo sư ngành Tài chính Đại học Hồng Kông nhận định sự thất bại của Evergrande có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng đối với cả nền kinh tế, khi các định chế tài chính lo ngại về rủi ro nhiều hơn.
Đi ngược với cái nhìn bi quan của tỷ phú George Soros và Giáo sư Chen Zhiwu, ông Bruce Pang – Nhà kinh tế học tại China Renaissance Securities cho rằng vụ vỡ nợ này có thể tạo cơ sở cho một nền kinh tế lành mạnh hơn trong tương lai. “Nếu Evergrande vỡ nợ, niềm tin “quá lớn để sụp đổ” sẽ dần phai nhạt. Điều này càng củng cố thêm thái độ cứng rắn của Bắc Kinh đối với các vụ vỡ nợ, sẵn sàng chấp nhận ảnh hưởng tiêu cực và gián đoạn trong ngắn hạn” – nhà kinh tế học này nhấn mạnh.
Những năm qua hàng loạt nhà đầu tư đã tin tưởng rót tiền cho các công ty như Evergrande vì họ tin tưởng dù tình hình có diễn biến tồi tệ như thế nào, chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ ra tay giải cứu. Điều này đã đúng trong nhiều thập kỷ qua song vài năm trở lại đây, giới chức Bắc Kinh đã có lập trường cứng rắn hơn, sẵn sàng để các công ty lớn sụp đổ nhằm kiềm chế vấn đề nợ không bền vững tại quốc gia này.
Tháng trước, giới chức Bắc Kinh đã triệu tập các giám đốc điều hành của Evergrande và yêu cầu họ tìm cách xử lý các khoản nợ; đồng thời yêu cầu các ngân hàng giảm quy mô cho vay đối với nhà phát triển bất động sản này.
Nỗi lo có căn cứ của nhà đầu tư ngoại
Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 7,4 tỷ USD các khoản thanh toán trái phiếu của Evergrande. Trong năm nay, sự hoảng loạn của họ đã đẩy giá trái phiếu của tập đoàn này xuống mức thấp chưa từng có trên thị trường thứ cấp.
Tuần trước, trái phiếu của Evergrande giảm mạnh chỉ còn 50 cent. Hoạt động mua bán đối với trái phiếu của tập đoàn này trở nên hỗn loạn đến mức các nhà quản lý đã phải tạm ngừng giao dịch. Cùng với trái phiếu, trong năm qua cổ phiếu của Evergrande niêm yết tại Hồng Kông cũng “bay hơi” hơn 3/4 giá trị.
Chính quyền Bắc Kinh đã ra tuyên bố sẽ không cứu trợ các trái chủ nước ngoài cũng như trong nước. Chính vì vậy các nhà đầu tư ngoại lo ngại nếu Evergrande sụp đổ, toàn bộ số tiền mà tập đoàn này đang nợ họ cũng sẽ tan thành mây khói. Nếu công ty phá sản, các nhà đầu tư ngoại sẽ đứng ở vị trí cuối cùng trong danh sách các chủ nợ và khả năng được đền bù bởi tài sản của Evergrande là vô cùng thấp
Việt Anh