Bất chấp lệnh trừng phạt, hàng hóa Nga vẫn ào ạt chảy đến các cảng biển Mỹ
Trái ngược với dòng chảy rượu vodka, kim cương, xăng…bị tắt nghẽn bởi các lệnh trừng phạt Mỹ trút lên Nga khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, hàng trăm hàng hóa khác không bị trừng phạt (gỗ, kim loại, cao su, nguyên liệu phóng xạ…) vẫn ngày đêm ào ạt chảy từ Nga đến các cảng biển Mỹ…
Thống kê của AP cho thấy từ cuối tháng 2/2022 đến nay, đã hơn 3.600 lô gỗ, kim loại, cao su và hàng hóa khác có xuất xứ từ Nga cập các cảng biển ở Mỹ. Mặc dù con số này giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (6.000 lô hàng) song tổng kim ngạch thương mại hàng tháng vẫn đạt trên 1 tỷ USD.
Trên thực tế, chưa có ai dự báo dòng chảy thương mại Nga – Mỹ sẽ chững lại sau xung đột. Với việc cấm nhập khẩu một số hàng hóa nhất định khiến Mỹ gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn Nga. Ông Jim O’Brien – người đứng đầu Văn phòng Quản lý Lệnh trừng phạt (Bộ Ngoại giao Mỹ) cho biết một khi đã quyết định trút “cơn mưa” trừng phạt lên Nga, Mỹ hoàn toàn có thể dự liệu được các lệnh trừng phạt này sẽ làm gián đoạn thương mại toàn cầu; vấn đề cốt lõi là phải xem lệnh trừng phạt nào gây ra nhiều tác động nhất nhưng vẫn phải cho phép dòng chảy thương mại toàn cầu tiếp diễn.
Theo các chuyên gia, do các nền kinh tế toàn cầu có sự phụ thuộc lẫn nhau nên các lệnh trừng phạt phải hạn chế về quy mô để tránh đẩy giá hàng hóa lên cao. Chưa kể không chỉ Mỹ mà cả Liên minh châu Âu (EU), Anh… cũng đã tung đòn trừng phạt Nga làm đau đầu người mua, người bán lẫn các nhà hoạch định chính sách thương mại.
Không phải công ty Mỹ nào cũng tìm được nguồn hàng nhập khẩu thay thế Nga. Đơn cử với sản phẩm gỗ, các cánh rừng của Nga có thể cung cấp loại gỗ cứng thường được các trường học, các hộ gia đình của Mỹ sử dụng. Đó là lý do mỗi ngày đều có rất nhiều tàu container chở hàng hóa Nga (giày, thiết bị đào tiền số, gối…) cập cảng của Mỹ. “Trong số các hàng hóa nhập khẩu từ Nga có rất nhiều mặt hàng được chính phủ Mỹ khuyến khích, chẳng hạn như phân bón. Còn các sản phẩm bị cấm như dầu, khí đốt vẫn được vận chuyển đến do nằm trong hợp đồng dài hạn mà các công ty đã ký từ trước xung đột” – AP cho hay.
Trong một số trường hợp, nguồn gốc của hàng hóa rời cảng Nga rất khó phân biệt. Các hãng năng lượng Mỹ vẫn đang nhập dầu từ Kazakhstan thông qua cảng Nga, dù dầu đó thỉnh thoảng vẫn được trộn với nhiên liệu Nga. “Quy tắc chung là khi có lệnh trừng phạt, doanh nghiệp muốn tồn tại đều phải tìm cách lách luật. Tuy nhiên lệnh trừng phạt vẫn phát huy tác dụng, dù không thể triệt tiêu 100% nhưng có thể kéo giảm phần nào doanh thu”, Konstantin Sonin – nhà kinh tế học người Nga tại Đại học Chicago nhận định.
Huy Hoàng