Bất chấp đà tăng trưởng kinh tế bị kéo hãm, Bắc Kinh vẫn quyết tâm hạ nhiệt thị trường bất động sản
Việc Trung Quốc siết chặt quản lý mảng bất động sản chắc chắn sẽ kéo hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dẫu vậy chính quyền Bắc Kinh vẫn tỏ quyết tâm giảm phụ thuộc vào lĩnh vực đóng góp tới 1/4 GDP của nền kinh tế nước này, bất chấp cái giá phải trả là khá đắt….

Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục siết chặt lĩnh vực bất động sản. Chính sự mạo hiểm này khiến hàng loạt ngân hàng như Goldman Sachs Group, Nomura Holdings, Barclays đều đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2022 xuống dưới 5%. Nếu không tính năm ngoái thì đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc trong hơn 30 năm trở lại đây. So với tốc độ tăng trưởng GDP gần 7% trước đại dịch thì con số dưới 5% quả thật là một bước lùi lớn.
Với vị thế nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại nhiều nước trên thế giới cũng sẽ giảm theo. Chưa kể Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia, từ Apple cho đến Volkswagen AG.
Các chuyên gia kinh tế cũng dần nhận ra Chính phủ Trung Quốc đang rất quyết tâm và hết sức nghiêm túc trong việc siết chặt quản lý mảng bất động sản; không sử dụng bất động sản làm đòn bẩy kích thích kinh tế như cách họ đã làm trong những đợt khủng hoảng trước. Các quan chức nước này cho rằng nguồn cung nhà ở dư thừa thực sự là mối đe dọa đối với tính ổn định của nền kinh tế; chính vì vậy họ muốn dành nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo…
Theo nhà kinh tế học Chen Long tại Công ty Tư vấn Plenum, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng lĩnh vực bất động sản đang phình to quá mức có thể. Ông Tập đã đích thân tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách cho lĩnh vực này, chính vì vậy các bộ sẽ không dám nới lỏng chính sách nếu chưa được chấp thuận.
Còn theo Nhà kinh tế trưởng Rob Subbaraman của Nomura Holdings, năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể vào khoảng 7,1% nhưng năm sau sẽ chậm lại, chỉ còn 4,3%. Điều này sẽ trực tiếp giảm tăng trưởng GDP toàn cầu thêm 0,5%. Dẫu vậy chính quyền Bắc Kinh vẫn sẵn sàng hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để đổi lấy sự ổn định trong dài hạn
Ngoài ra xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc cũng là một yếu tố kéo tụt tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát, nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa vì chính quyền chọn duy trì chiến lược “Zero Covid” (quét sạch virus khỏi cộng đồng), siết chặt các biện pháp phong tỏa. Nhà kinh tế Tao Wang của Ngân hàng UBS cảnh báo nếu Trung Quốc kéo dài chính sách Zero Covid hoặc ngành bất động sản suy giảm sâu hơn thì tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2022 có thể giảm còn 4%.
Có thể thấy với quy mô khổng lồ, khoảng hơn 900 triệu m2 căn hộ được xây dựng mỗi năm, bất động sản thực sự là trụ cột lớn của nền kinh tế Trung Quốc. Chính vì vậy bất kỳ sự suy giảm nào trong lĩnh vực này đều sẽ tạo ra lỗ hổng đối với nền kinh tế Trung Quốc mà không lĩnh vực nào có thể bù đắp được
Đa số các nhà phát triển bất động sản đều huy động nguồn lực tài chính từ chính sách bán nhà trả trước. Tuy nhiên các quy định thắt chặt vay thế chấp cùng với tâm lý bi quan về thị trường nhà đất của người dân đã đẩy doanh số bán nhà đi xuống. Ngoài ra thông báo gần đây của Bắc Kinh về việc thử nghiệm một loại thuế bất động sản nhằm giảm đầu cơ nhà cũng sẽ khiến doanh số bán nhà sụt giảm mạnh.
Kết quả là các chuyên gia kinh tế dự báo lượng nhà mới sẽ giảm khoảng 10% năm tới. Tuy nhiên xuất phát từ lo ngại bất ổn xã hội nếu các công ty bất động sản không thể hoàn thành các dự án đã bán, giới chức Bắc Kinh vẫn sẽ đảm bảo các dự án dang dở được hoàn thành. Điều này cũng đồng nghĩa đầu tư vào bất đông sản có thể tiếp tục tăng trong năm tới, dẫu doanh số bán nhà và số lượng nhà mới sụt giảm
Theo dự báo của Ngân hàng Morgan Stanley, trong năm 2022 tăng trưởng đầu tư bất động sản của Trung Quốc sẽ ở mức 2%, giảm mạnh so với mức 8% trước đại dịch. Ngân hàng UBS thì bi quan hơn khi dự đoán lĩnh vực này sẽ giảm tới 5%. Thậm chí Goldman Sachs còn dự báo suy thoái trên thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ kéo dài nhiều năm và mỗi năm lĩnh vực nhà ở sẽ kéo giảm 1% tăng trưởng GDP của nước này cho đến năm 2025. “Dẫu Bắc Kinh nỗ lực kiểm soát chặt thị trường bất động sản thì đà suy giảm vẫn có thể có cơ chế tự điều chỉnh, khiến giới chức khó kiểm soát hơn và khiến tình hình thực tế bi quan hơn cả mức dự báo” – chuyên gia Logan Wright của Rhodium Group cảnh báo
Như Anh