Bất chấp Covid-19, Việt Nam vẫn tăng trưởng cao thứ 5 thế giới
Chiều 30/7, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam T7/2020: “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19”.
Báo cáo của World Bank cho thấy, kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong nửa đầu năm 2020, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021, nếu tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
“World Bank tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới. Theo dự báo mới nhất của chúng tôi, tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,8% vào năm 2020 và phục hồi mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020”, Quyền giám đốc World Bank tại Việt Nam Stefanie Stallmeister nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi công bố, bà Stefanie Stallmeister nhận định, sau khi cướp đi sinh mạng của hơn 650.000 người và hơn 16 triệu người bị lây nhiễm, đại dịch Covid-19 đã trở thành cú sốc y tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ vừa qua và thậm chí là cả thế kỷ qua. Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn giữa việc cứu sống nhân mạng hay hạn chế hoạt động kinh tế.
Theo bà Stefanie Stallmeister, trong lúc hầu hết các quốc gia còn do dự, chưa biết nên quyết theo hướng nào, Việt Nam đã có những phản ứng nhanh và mạnh dạn. Các biện pháp ứng phó sớm, theo dõi và xét nghiệm có mục tiêu, công bố thông tin minh bạch, kết hợp với chiến dịch truyền thông sáng tạo đã cho thấy hiệu quả rất cao cho đến thời điểm này. Mặc dù có vị trí gần Trung Quốc, dân số tương đối lớn, Việt Nam cũng đã chiến thắng số mệnh với tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng hạn chế và số ca tử vong bằng 0 kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
“Tuy nhiên, Việt Nam, cũng giống như bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch khi chúng ta chưa có vaccine. Sự bùng phát ở Đà Nẵng, Bắc Kinh hay Melbourne đã một lần nữa nhắc nhở về sự mong manh của chúng ta và rủi ro về khả năng tiếp diễn những đợt sóng Covid-19 mới. Cũng giống như nhiều quốc gia khác, rủi ro đối với Việt Nam không chỉ ở mặt trận y tế, mà ở cả mặt trận kinh tế”, bà Stefanie Stallmeister khẳng định.
Báo cáo của World Bank cũng cho rằng, Việt Nam không nên tư duy theo hướng trở lại trạng thái bình thường cũ mà thay vào đó, tìm hiểu trạng thái bình thường mới sẽ ra sao khi đại dịch làm thay đổi cách con người sống và làm việc.
“Việt Nam sẽ phải vận động trong một thế giới bất định cả ở trong nước và quốc tế trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, gồm cầu nước ngoài và cầu suy yếu trong nước”, bà Stefanie Stallmeister cho hay .
Theo Quyền giám đốc World Bank tại Việt Nam, Chính phủ sẽ phải chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng thận trọng mở cửa biên giới, triển khai gói kích thích tài khóa quy mô lớn và hỗ trợ đúng đối tượng doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhất trong xã hội.
“Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng, Covid-19 đã tác động đến hầu như tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng chịu tác động như nhau. Chính vì vậy, tình trạng bất bình đẳng mới sẽ nảy sinh, đòi hỏi phải có sự quan tâm của chính phủ”, bà Stefanie Stallmeister lưu ý.
Bà Stefanie Stallmeister khẳng định, cuộc khủng hoảng lần này khác với lần trước và nếu được quản lý tốt thì khủng hoảng lần này có thể giúp Việt Nam tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. “Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời thế giới”, bà nói.
Huy Hoàng