Bất cập trong việc tiêu thụ cao su thiên nhiên

Cao su Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động để có thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ đó, làm bước đệm tiến đến việc thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

Năm 2017, Việt Nam là quốc gia cung cấp cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Thái Lan và Indonesia với thị phần chiếm khoảng 11,7% trong tổng nguồn cung cao su thiên nhiên trên thế giới. Ông Tô Xuân Phúc – Tổ chức Forest Trend nhận định: Tầm quan trọng của ngành cao su không chỉ là thể hiện qua các con số về kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD/năm, mà còn về khía cạnh xã hội khi tạo ra việc làm ổn định cho khoảng 500.000 lao động.

Mủ cao su thiên nhiên Việt Nam

Dù vậy, ngành cao su vẫn còn nhiều bất cập khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là sản phẩm thô. Trong khâu chế biến sâu, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đóng vai trò chủ đạo về cả số lượng và kim ngạch xuất khẩu. Cùng với đó, tổ chức thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên, đặc biệt là khâu thu mua vẫn còn nhiều tồn tại; hiện tượng tranh mua, tranh bán diễn ra tương đối phổ biến.

Xuất khẩu sản phẩm thô là lợi thế đối với các quốc gia bắt đầu tham gia thị trường. Tuy nhiên, khi thị trường đã phát triển, sẽ không tạo được giá trị gia tăng. Do vậy, đã đến lúc ngành cao su Việt Nam cần thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh. Thay vì chú trọng mở rộng xuất khẩu dựa trên sự gia tăng lượng sản phẩm thô, cần chú trọng đến hàm lượng khoa học – công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ông Tô Xuân Phúc nhận định: Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam. Với 70% cao su thiên nhiên phục vụ ngành công nghiệp sản xuất lốp xe, việc xuất khẩu cao su Việt Nam sang Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Với trên 80% sản lượng cao su của Việt Nam được xuất khẩu, thị trường xuất khẩu có vai trò quyết định đến sự tồn tại của ngành. Trong những năm gần đây, các yêu cầu về sản phẩm cao su bền vững ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…không chỉ đơn thuần về chất lượng sản phẩm mà còn sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về luật pháp, lao động, môi trường, xã hội. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp khi tham gia thị trường, cần nắm rõ thông tin và đáp ứng nghiêm túc các yêu cầu đó.

Minh Đường