Báo cáo của PwC và viễn cảnh sáng sủa thời hậu AI

Sau Elon Musk và Stephen Hawking, đến lượt Bill Gates – tỷ phú thiên tài sáng lập đế chế Microsoft lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa của trí tuệ nhân tạo AI đối với nhân loại trong vài thập kỷ tới.

Đó cũng chính là lý do nhiều người nơm nớp lo sợ về viễn cảnh tương lai khi mà trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh hơn và thông minh hơn, nó sẽ chiếm hết việc làm của con người. Khi đó phần lớn nhân loại trên thế giới sẽ rơi vào cảnh mất việc, chỉ có thể sống dựa vào thu nhập cơ bản; trong khi những người thuộc tầng lớp thượng lưu lại trở thành chủ nhân của tất cả các con robot.

Tuy nhiên đi ngược lại quan điểm của Elon Musk, Stephen Hawking hay Bill Gates, Công ty tư vấn PwC mới đây đã đưa ra báo cáo dự đoán một viễn cảnh sáng sủa hơn thời kỳ hậu AI. Cụ thể Báo cáo chỉ ra rằng trong một số ngành nghề, robot dễ dàng thay thế con người, nhất là trong các lĩnh vực vận tải, sản xuất…. ; có khoảng 38% công việc trong lĩnh vực vận tải sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo; tương tự trong lĩnh vực sản xuất tỷ lệ này là 30%. Tuy nhiên cũng có những lĩnh vực nhờ vào trí tuệ nhân tạo lại tạo ra được nhiều việc làm hơn; đơn cử như trong lĩnh vực y tế. Có tới 34% công việc mới trong ngành này sẽ được tạo ra nhờ AI, trong khi tỷ lệ công việc bị thay thế chỉ khoảng 12%. Chung quy lại, tỷ lệ thuận với số công việc bị thay thế, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ đồng thời tạo ra một khối lượng công việc mới tương đương và con số này được chia đều trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Cụ thể Báo cáo của PwC đã viết: “Vào năm 2037, AI sẽ thay thế khoảng 20% công việc hiện nay tại Anh Quốc nhưng nó cũng đồng thời tạo ra một lượng công việc mới cân bằng. Chính vì vậy có thể khẳng định AI không phải là nguyên nhân của nạn thất nghiệp công nghệ”“Dự kiến có khoảng 7,2 triệu việc làm mới được tạo ra, trong khi chỉ có khoảng 7 triệu việc làm hiện tại  bị thay thế. Điều này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ có thêm 0,2 triệu công việc”

Báo cáo của PwC cũng đồng thời thống kê ra những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ trí tuệ nhân tạo; đây đều là những ngành nghề mà tính chủ thể của con người được khẳng định khá đậm nét, lại đòi hỏi chuyên môn cao gồm: Giáo dục; Công tác khoa học kỹ thuật; Thông tin và truyền thông; Dịch vụ ăn uống và ăn ở.  Trong khi đó máy móc dễ thay thế con người trong các lĩnh vực:  Tài chính và bảo hiểm; Bán lẻ; Xây dựng; Quản trị công cộng; Vận chuyển; Sản xuất.

Theo : Phước Tài