Bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới 2020 – Tỷ phú Việt rớt hạng thê thảm…
Nếu như năm 2019, Việt Nam có 5 tỷ phú USD được vinh danh trong Bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới thì bước sang năm 2020, danh sách này dự kiến sẽ có nhiều thay đổi về thứ hạng; đáng kể nhất là việc Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang bị gạch tên trên bảng xếp hạng…
- Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Ở thời điểm hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục được công nhận là người giàu nhất Việt Nam. Năm 2019, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã có bước nhảy ngoạn mục từ vị trí 499 lên 239 thế giới với tài sản định giá 6,6 tỷ USD, tăng 2,3 tỷ USD so với năm 2018. Tuy nhiên ở bảng xếp hạng thời gian thực 17/2/2020, ông Vượng đã tụt xuống vị trí 261 dù giá trị tài sản ròng vẫn tăng 700 triệu USD. Ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên được Forbes vinh danh năm 2013 với tài sản ròng 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974 thế giới.
Là tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam, Vingroup khẳng định vị thế thương hiệu trên nhiều lĩnh vực, từ bất động sản đến chế tạo, y tế, giáo dục… Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Tập đoàn đa ngành này đã trao lại mảng bán lẻ cho Masan; đồng thời từ bỏ tham vọng lập hãng hàng không để tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu công nghiệp và công nghệ.
- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Sáng lập và Chủ tịch Sovico Holding; đồng thời là cổ đông lớn của Vietjet, HDBank
Năm 2019, thứ hạng của nữ tỉ phú tự thân duy nhất ở khu vực Đông Nam Á này giảm mạnh từ vị trí 766 xuống hạng 1.008 với tài sản ròng đạt 2,3 tỷ USD. Tiếp tục đà rớt hạng từ năm ngoái, theo bảng xếp hạng 17/2/2020 của Forbes, bà Thảo hiện rớt xuống hạng 1.091 thế giới với khối tài sản trị giá 2,4 tỷ USD.
- Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco
Theo số liệu của Forbes, năm 2020 tổng giá trị tài sản của ông Dương và gia đình vẫn giữ nguyên so với năm ngoái, đạt 1,7 tỷ USD. Điều đáng tiếc là thứ hạng của vị tỷ phú này đã giảm 101 bậc xuống vị trí 1.490 trên bảng xếp hạng.
Doanh nhân Trần Bá Dương lần đầu tiên được Forbes vinh danh năm 2018 với tài sản ròng đạt 1,8 tỉ USD. Năm 2019, thứ hạng của Chủ tịch Thaco giảm đi 10 bậc, đứng vị trí 1.349 với tài sản 1,7 tỉ USD.
- Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank
Năm 2019, ông Hồ Hùng Anh lần đầu lọt Top những người giàu nhất hành tinh của Forbes với tổng tài sản 1,7 tỉ USD, đứng ở vị trí thứ 1349. Theo số liệu của Forbes, năm 2020, tổng tài sản của Chủ tịch Techcombank giảm còn 1,3 tỉ USD, đứng ở vị trí 1.847 trên bảng xếp hạng
Năm 1990, ông Hồ Hùng Anh bắt đầu đầu tư vào ngân hàng Techcombank và đến năm 2008 thì chính thức trở thành Chủ tịch Techcombank. Theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt, thu nhập thuần của Techcombank năm 2019 tăng nhẹ 0,7% lên 9.500 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 9.465 tỉ đồng, tăng gần 12% so với 2018. Với kết quả này, Techcombank đang dẫn đầu về lợi nhuận trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam.
- Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group
Nếu như 4 tỷ phú trên chỉ mới tụt hạng thì ông Nguyễn Đăng Quang chính thức bị gạch tên khỏi bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes do giá trị tài sản đã ở dưới mức 1 tỷ USD. Năm 2019, Chủ tịch Masan Group chiếm lĩnh vị trí 1717 trong Bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới với tổng tài sản 1,3 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang có bằng tiến sỹ Vật lý hạt nhân – đại học Vật lý ứng dụng – Viện Hàn lâm khoa học (Belarus). Doanh nhân gốc Quảng Ngãi khởi nghiệp kinh doanh mì gói cùng Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và sau đó dẫn dắt Masan Group trở thành một trong các tập đoàn kinh doanh đa ngành hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, tài chính, khai khoáng và chăn nuôi.
Cuối năm 2019, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang đã có cái bắt tay mang tính lịch sử với tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi tiến hành thâu tóm Vinmart – VinEco, tiếp nhận mảng bán lẻ của Vingroup. Từ đó, vốn hóa thị trường của Masan cũng như tài sản của ông Quang đã liên tiếp có nhiều biến động.
Thiên Phú