Bài học tư duy quản lý đáng suy ngẫm nhìn từ vụ kiện Vinasun – Grab

Việc Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM đề nghị Hội đồng Xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc  Grab phải bồi thường 41,2 tỷ đồng thiệt hại cho VinaSun đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Có thể nói việc VinaSun kiện Grab ra toà vì ứng dụng gọi xe thông minh này gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình là một chuyện tất yếu. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn vào những lý do VinaSun kiện Grab sẽ thấy hoàn toàn không có sức thuyết phục, đơn cử như: Grab tuyển nhiều tài xế, điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá; Grab thu tiền trực tiếp của khách hàng vào tài khoản của mình; tài xế Grab phải mở tài khoản nộp tiền vào Grab mới được sử dụng ứng dụng và đón khách…

Vinasun kiện tụng vô lý là một chuyện, cách hành xử của cơ quan chức năng lại càng gây thêm nhiều tranh cãi. Việc Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường 41,2 tỷ đồng thiệt hại cho doanh nghiệp taxi truyền thống này khiến người ta dễ liên tưởng rằng mọi thứ đang dần đi ngược lại với sự phát triển đi lên như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là khi nước ta nước đang đứng ở ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Tranh cãi này dự báo sẽ còn kéo dài, ngay cả khi tòa án ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên điều đáng lưu tâm ở đây là Bộ Giao thông&Vận tải và các cơ quan chức năng cho tận lúc này vẫn tỏ ra lúng túng, chưa tìm được hướng quản lý Grab và các ứng dụng gọi xe thông minh khác sao cho hợp tình hợp lý.

Điều này xuất phát từ việc các cơ quan chức năng vẫn chưa hiểu được Grab là gì và loay hoay tìm cách định nghĩa doanh nghiệp này là một đơn vị dịch vụ vận tải mà không nắm được rằng Grab thực chất là một hệ sinh thái khép kín. Grab không chỉ có mỗi vận chuyển mà còn có các sản phẩm khác như GrabHitch, Grab For Work, Grab Pay Credits, GrabCoach, GrabShuttle, JustGrab… và trong tương lai sẽ còn tích hợp nhiều dịch vụ khác nữa.

Chính vì vậy việc các cơ quan chức năng vẫn tìm cách áp Grab như một doanh nghiệp dịch vụ vận tải là điều rất khiên cưỡng, trong khi đây lại là một doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ và ứng dụng thực tế vào các ngành nghề khác nhau trong xã hội. Thay vì ép buộc Grab tuân theo hình thức quản lý như một dịch vụ vận tải, ở đây cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.

Chúng ta không thể phủ nhận Grab thực sự là một phương thức mới trong vận chuyển dựa trên tiến bộ công nghệ. Đó là công nghệ tạo ra sự tương tác giữa khách hàng và nhà cung cấp rất tiện dụng góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên các cơ quan chức năng tại Việt Nam cũng cần xác minh rõ về khoản lỗ 1.700 tỷ đồng mà Grab báo cáo trong 4 năm 2014-2017 trong khi vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ khoảng 20 tỷ đồng. Một doanh nghiệp báo lỗ mà liên tục mở rộng quy mô hoạt động, ồ ạt khuyến mãi và đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút người dùng thì quả thực là một “chuyện lạ” rất đáng để lưu tâm.

Ngoài ra  các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại nghĩa vụ thuế của Grab đối với các hoạt động tại Việt Nam để đảm bảo tính toàn diện; tránh “vết xe đổ” trốn thuế, lách thuế  của các doanh nghiệp FDI kinh doanh tại Việt Nam trước đó. Việc xiết chặt nghĩa vụ nộp thuế của của Grab không chỉ góp phần đảm bảo nguồn thu, tránh tình trạng thất thoát thuế mà còn giúp các doanh nghiệp trong nước cảm thấy được đối xử công bằng.

Điều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước cần mở ra cho taxi truyền thống những hình thức quản lý phù hợp nếu họ có ý định chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ như Grab, qua đó giúp các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ của mình.

Quang Vinh