Ba nhà lãnh đạo châu Âu tới thăm Ukraine
Ba nhà lãnh đạo quan trọng của Liên minh châu Âu đã lên đường tới Kiev vào sáng thứ Năm nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron; Thủ tướng Đức, Olaf Scholz; và Thủ tướng Italy, Mario Draghi đã khởi hành đến thủ đô của Ukraine trên một chuyến tàu qua đêm vào thứ Tư.
Chuyến đi đánh dấu lần đầu tiên của những người đứng đầu ba nền kinh tế lớn nhất EU tới thăm Ukraine. Cả ba đều chưa đến thăm Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2, với Scholz và Macron bị chỉ trích nặng nề ở quê nhà vì đã không đến thăm đất nước bị chiến tranh tàn phá sớm hơn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ gặp bộ ba để thảo luận, với các chủ đề như hỗ trợ quân sự cho Ukraine và nỗ lực của Ukraine để gia nhập EU có khả năng cao nằm trong chương trình nghị sự.
Ông Macron phát biểu tại Romania hôm thứ Tư, nơi có khoảng 500 lính Pháp được triển khai: “Tôi nghĩ chúng ta đang ở vào thời điểm mà chúng ta, Liên minh châu Âu, cần phải gửi những tín hiệu chính trị rõ ràng tới Ukraine và người dân Ukraine trong bối cảnh họ đã kháng cự anh dũng trong vài tháng”.
Cả ba nước đều ủng hộ việc Ukraine gia nhập khối, mặc dù ở các mức độ khác nhau.
Một quyết định về việc liệu quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh có thể giành được tư cách ứng cử viên EU hay không sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào ngày 23-24/6. Nếu thành công, điều này sẽ bắt đầu một quá trình đàm phán để trở thành một quốc gia thành viên thực sự, vốn có thể mất vài năm.
Macron và Scholz cũng bị chỉ trích vì các cuộc điện đàm thường xuyên với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Trong một cuộc điện đàm chung giữa họ với Putin vào cuối tháng 5, họ nhấn mạnh rằng “bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến phải được đàm phán giữa Moscow và Kiev, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, theo thông báo từ Elysée.
Họ tiếp tục kêu gọi ngừng bắn và “khẳng định” với người đồng cấp Nga “về sự khẩn cấp dỡ bỏ phong tỏa Odesa để cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen và tránh khủng hoảng lương thực thế giới”. Trong khi đó, Thủ tướng Đức bị cáo buộc đã chậm chạp trong việc hỗ trợ Ukraine, với việc chính phủ liên minh này ban đầu phản đối việc gửi vũ khí sát thương tới Kiev.
Huy Hùng