Ba cách Trung Quốc đang hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế Nga
Trong 1 năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Moscow đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây và đóng cửa phần lớn nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia đã tuyên bố tình hữu nghị “không có giới hạn” đối với nước láng giềng phía bắc, đã mang lại cho Điện Kremlin một huyết mạch kinh tế, làm giảm tác động của việc trục xuất nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Nhấn mạnh sự gần gũi của mối quan hệ, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Moscow hôm thứ Tư. Tờ Wall Street Journal đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Moscow vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
Dưới đây là ba cách mà Trung Quốc, người mua hàng hóa lớn nhất thế giới và là một cường quốc tài chính và công nghệ, đã và đang hỗ trợ nền kinh tế Nga:
1. Mua năng lượng
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow bao gồm lệnh cấm bán dầu và giới hạn giá dầu thô, từ chối truy cập vào SWIFT – hệ thống nhắn tin quốc tế cho phép giao dịch ngân hàng – và đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương ở nước ngoài.
Những động thái này nhằm mục đích làm suy yếu khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga.
Chúng đã gây tác động lớn. Nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái vào năm 2022, giảm 4,5%, theo ước tính gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính của Moscow đã tăng lên, theo chính phủ Nga. Điều đó chủ yếu nhờ vào giá năng lượng cao và những nỗ lực của Nga trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang những người mua khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Hai bên đang có kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác hơn nữa, bao gồm thỏa thuận giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc trong 25 năm tới.
2. Thay thế các nhà cung cấp phương Tây
Ngoài năng lượng, Nga cũng đã chi hàng tỷ đô la để mua máy móc, thiết bị điện tử, kim loại cơ bản, phương tiện, tàu và máy bay từ Trung Quốc, như được nêu chi tiết trong báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ từ tháng 5 năm ngoái.
Nga cũng cần tìm những sản phẩm thay thế cho hàng nhập khẩu từ các thị trường phương Tây, chẳng hạn như ô tô và đồ điện tử.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ công ty nghiên cứu Autostat của Nga, các thương hiệu xe hơi Trung Quốc, bao gồm Havel, Chery và Geely, đã chứng kiến thị phần của họ tăng từ 10% lên 38% trong một năm sau khi các thương hiệu phương Tây rút lui. Và tỷ lệ đó có thể sẽ tăng thêm trong năm nay, theo họ dự báo.
3. Cung cấp giải pháp thay thế cho đồng đô la Mỹ
Sau khi một số ngân hàng Nga bị cắt khỏi SWIFT, Moscow đã từ bỏ đồng đô la để chấp nhânk đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Các công ty Nga đã và đang sử dụng nhiều nhân dân tệ hơn để tạo thuận lợi cho việc gia tăng thương mại với Trung Quốc. Các ngân hàng Nga cũng đã tiến hành nhiều giao dịch bằng đồng nhân dân tệ hơn để bảo vệ họ khỏi rủi ro bị trừng phạt.
Thị phần của đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại tệ của Nga đã tăng lên 48% vào tháng 11 năm 2022 từ mức dưới 1% vào tháng 1, theo truyền thông Nga, dẫn lời người đứng đầu Sàn giao dịch Moscow.
Nga đã nhanh chóng trở thành trung tâm giao dịch nước ngoài lớn thứ ba thế giới đối với đồng nhân dân tệ vào tháng 7 năm ngoái, sau Hồng Kông và Vương quốc Anh, theo số liệu do SWIFT công bố. Kể từ đó, họ vẫn là một trong sáu thị trường giao dịch nhân dân tệ hàng đầu — trong hi Nga thậm chí còn không nằm trong top 15 trước cuộc chiến Ukraine.
Quang Thành