ASEAN trước sức ép tìm kiếm đặc phái viên Myanmar

Ngoại trưởng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang chịu áp lực bổ nhiệm đặc phái viên tới Myanmar trong tuần này sau nhiều tháng đàm phán không tìm được ứng cử viên được các bên đồng thuận.
Sáu tháng sau khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của Myanmar, các ngoại trưởng ASEAN gặp nhau vào thứ Hai để tìm kiếm một đặc phái viên có nhiệm vụ chấm dứt bạo lực và thúc đẩy đối thoại giữa quân đội và các đối thủ.
Liên hợp quốc, Mỹ và Trung Quốc, cũng các nước khác đã xác định ASEAN là nơi tốt nhất để dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục sự ổn định ở Myanmar.
Myanmar đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc trấn áp đẫm máu nhằm vào các cuộc biểu tình, suy thoái kinh tế và một cuộc di tản kể từ cuộc đảo chính. Tình trạng gia tăng ca nhiễm COVID-19 đã lấn át hệ thống y tế của nước này, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo trong tháng qua.
Việc tìm kiếm một đặc phái viên bắt đầu vào tháng 4, khi các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra “đồng thuận 5 điểm” để giải quyết tình trạng hỗn loạn ở Myanmar. Các quan chức Liên Hợp Quốc và Mỹ trong những tuần gần đây đã thúc giục ASEAN xúc tiến việc bổ nhiệm đặc phái viên.
Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, Erywan Yusof, cho biết vào tối thứ Sáu rằng ông hy vọng quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào thứ Hai. Ông nói: “Việc không có đặc phái viên dẫn đường sẽ rất khó giải quyết vấn đề”.
Bốn nguồn tin ngoại giao trong khu vực cho biết Erywan được mong muốn trở thành đặc sứ và được các “cố vấn” ủng hộ. Tuy nhiên, một cuộc họp của các quan chức cấp cao ASEAN vào thứ Năm đã không đạt được thỏa thuận.
Bên cạnh 9 thành viên ASEAN khác, chính quyền quân sự của Myanmar cũng sẽ phải chấp thuận việc bổ nhiệm.
Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar cho biết trong một bài phát biểu hôm Chủ nhật rằng Myanmar đã ưu tiên cựu Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Virasakdi Futrakul làm đặc phái viên, nhưng “các đề xuất mới đã được đưa ra và chúng tôi không thể tiếp tục tiến hành”.
Ông nói: “Myanmar sẵn sàng làm việc về hợp tác ASEAN trong khuôn khổ ASEAN, bao gồm đối thoại với đặc phái viên ASEAN tại Myanmar.
Một phát ngôn viên của Chính phủ Thống nhất Quốc gia của Myanmar nói rằng đặc phái viên được lựa chọn phải “đặt người dân Myanmar lên hàng đầu và coi người dân làm trung tâm”.
Erywan công khai xác nhận ông là một trong bốn ứng cử viên. Các nhà ngoại giao cho biết những người còn lại là Futrakul của Thái Lan, cựu ngoại trưởng Indonesia Hassan Wirajuda và nhà ngoại giao kỳ cựu của Malaysia Razali Ismail.
Các nhà ngoại giao cho biết ASEAN cũng sẽ công bố đề xuất viện trợ cho Myanmar, bao gồm hỗ trợ để chống lại đại dịch.
Việc cử đặc phái viên là một trong năm nội dung đã được thống nhất tại hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức tại Indonesia vào cuối tháng 4 để thảo luận về tình hình trong nước.
Quế Vân