ASEAN đối mặt với khoảng cách lớn về Trí tuệ Nhân tạo – Việt Nam và Philippines đang tụt hậu
Theo một nghiên cứu mới cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) có thể chuyển nền kinh tế Đông Nam Á sang một nấc thang cao hơn, nhưng chỉ khi các quốc gia tìm cách thu hẹp khoảng cách đầu tư lớn khiến khối ASEAN tụt hậu hơn Mỹ và Trung Quốc khoảng hai đến ba năm trong việc áp dụng công nghệ này.
Nếu các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bắt kịp tốc độ áp dụng AI, họ có thể thêm gần 1 nghìn tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội của khu vực vào năm 2030, theo một báo cáo được công bố hôm thứ Năm bởi công ty tư vấn Mỹ Kearney và EDBI của Singapore – chi nhánh đầu tư của Ban phát triển kinh tế của Singapore.
Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Basil Lui, đối tác quản lý các khoản đầu tư tại EDBI, cho biết trong khi đầu tư vào các công ty giải pháp AI ở Mỹ đạt 155 USD trên đầu người, con số tương đương của ASEAN là khoảng 2 USD từ năm 2015 đến 2019. Ở Trung Quốc, nơi có dân số đông hơn nhiều, con số trong năm 2019 là 21 USD.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 110 người dùng, nhà cung cấp và nhà đầu tư AI, đồng thời phỏng vấn đại diện của hơn 25 công ty và cơ quan chính phủ trên toàn khu vực. Họ đề cập đến các ứng dụng bao gồm học máy, tự động hóa quy trình bằng robot, robot thông minh, chatbot, thực tế ảo, thị giác máy tính và nhận dạng giọng nói.
Singapore nổi bật trong số các nước cùng khu vực, với 68 USD đầu tư vào AI trên đầu người vào năm ngoái. Nhưng Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines đều dưới mức 1 USD.
Trong số các nền kinh tế lớn của khu vực, hai quốc gia cuối cùng bị tụt lại phía sau rất xa, với Việt Nam chỉ ở mức 3 cent và Philippines ở mức dưới 1 cent.
Ở một mức độ nào đó, điều này là tự nhiên. Soon Ghee Chua, một đối tác tại Kearney, giải thích: “Các quốc gia có nhiều mạng hơn và chấp nhận kỹ thuật số cao hơn cũng sẽ có cơ sở cao hơn để áp dụng AI”.
Vì vậy, nếu bạn so sánh Singapore với Indonesia hoặc Campuchia, “nơi ngành nông nghiệp tương đối cao hơn so với ngành dịch vụ, thì rõ ràng Singapore sẽ dẫn đầu về việc áp dụng AI”, ông nói.
Dựa trên những dự đoán của Kearney, AI có thể thêm 110 tỷ USD vào nền kinh tế Singapore, hay 18% GDP dự kiến vào năm 2030.
Đối với Malaysia, công ty dự báo mức tăng 115 tỷ USD, tương đương 14% GDP. Thái Lan sẽ đạt được mức tăng 117 tỷ USD, tương đương 13% GDP. Dự báo 366 tỷ USD của Indonesia, 109 tỷ USD của Việt Nam và 92 tỷ USD của Philippines đều sẽ chiếm 12% GDP của mỗi nước.
Dựa trên cuộc khảo sát, 83% khu vực vẫn đang trong giai đoạn đầu áp dụng AI – được định nghĩa là chưa quan tâm đến việc đầu tư vào công nghệ, trong quá trình phát triển chiến lược AI hoặc thử nghiệm các sáng kiến trên thực địa.
Mặc dù vậy, Kearney đã xác định được những điểm sáng mà ở đó những người chơi nhất định đang dẫn đầu. Tại Indonesia, thị trường trực tuyến Tokopedia, được hỗ trợ bởi tập đoàn SoftBank của Nhật Bản và gã khổng lồ internet Trung Quốc Alibaba Group Holding, đã sử dụng AI để thích ứng với việc thay đổi hành vi của khách hàng.
Kearney lưu ý rằng sau khi triển khai AI, công ty thương mại điện tử này đã tăng tổng số giao dịch lên 202%, với số giao dịch trên mỗi khách hàng tăng tới 27% và doanh thu tăng 179% so với tháng trước.
Trong các lĩnh vực khác nhau, Kearney cho biết sản xuất, bán lẻ và khách sạn, cũng như chăm sóc sức khỏe, là những lĩnh vực sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển của AI ở Đông Nam Á.
Theo Naveen Menon, chủ tịch phụ trách ASEAN của tập đoàn công nghệ Mỹ Cisco Systems, điều quan trọng là các quốc gia phải điều chỉnh AI theo nhu cầu riêng của họ.
Ông nói: “Điều quan trọng là mỗi quốc gia phải đầu tư vào năng lực để phát triển các thuật toán và mô hình AI của riêng họ, thay vì nhập khẩu các mô hình AI toàn cầu và triển khai chúng tại địa phương”.
Dobberstein của Kearney lặp lại quan điểm này, cho thấy rằng AI không thể được áp dụng đồng bộ theo cách giống nhau cho tất cả các doanh nghiệp. Ông nói rằng trọng tâm phải là giải quyết các vấn đề cụ thể. Dobberstein nói: “Những gì chúng ta đã thấy về cách AI đang được ứng dụng ngày nay – nó thường được coi là thần dược vì có rất nhiều tiềm năng kinh doanh. Nhưng nó không phải là thuốc chữa bách bệnh. Tôi nghĩ rằng các bạn sẽ cần một sự tập trung sắc bén vào từng trường hợp áp dụng và tác động kinh doanh”.
Bảo Ngọc